Thuốc tân dược tại TPHCM:

Thuốc ngoại, nội đua nhau tăng giá

Thuốc ngoại, nội đua nhau tăng giá
Từ đầu tháng 6 đến nay, giá thuốc ngoại, nội trên thị trường TPHCM lại tiếp tục tăng từ 10-25%. Nhiều nhà thuốc bán lẻ đau đầu vì không biết giải thích như thế nào cho người mua. Còn  bệnh nhân thì lại phải gồng mình gánh thêm chi phí...

Dạo quanh thị trường tại khu vực phân phối sỉ dược phẩm ở đường Tô Hiến Thành, Q.10, đường 3.2, Q.11, nhiều điểm kinh doanh đã phát ra bảng thông báo mới của các hãng dược phẩm về việc tăng giá thuốc.

Cty Solvay Pharma có 9 mặt hàng tăng giá từ 8-9%:  Hidrasec Enfant 30mg, Brexin 20mg, Fatig 10ml, Herbesser, Adona Disgren... Cty Abbott Lab (Singapore) cũng có 9 mặt hàng tăng giá khoảng 10%.

Cụ thể: Thuốc Klacid (N) từ 403.300 đồng/hộp/ lên 445.263 đồng, Sevorane 250ml từ 2.794.300 đồng/chai lên 3.085.046 đồng, Forane 250ml từ 1.124.100 đồng/chai lên 1.241.062 đồng, Klacid MR 500mg từ 145.300 đồng/hộp lên 160.419 đồng (đã có VAT), Klacid 60ml từ 87.600 đồng/lọ lên 96.716 đồng, Nato Dermal pro từ 393.500 đồng/hộp lên 434.444 đồng...

Một dược sĩ phụ trách nhà thuốc GPP trên đường Hai Bà Trưng, Q.3 cho biết, thuốc ngoại tăng giá đợt này toàn là những loại thuốc đắt tiền. Trước thông tin tăng giá, nhiều nhà thuốc tranh thủ "ôm" hàng để trữ; tuy nhiên, nhiều Cty phân phối chỉ cung cấp nhỏ giọt, thậm chí thông báo hết hàng.

Không chỉ thuốc ngoại tăng giá mà nhiều loại thuốc nội cũng "chạy đua" tăng giá. Cụ thể, vitamin A, vitamin B6; Cloramphenicol 250mg, Promethazin, Salbumol... của Cty CP dược phẩm 2.9 cũng tăng lên từ 10-25%.

Điều đáng nói, việc tăng giá thuốc được các doanh nghiệp lý giải, do nhiều loại chi phí đầu vào tăng như giá ngoại tệ, nguyên liệu, xăng... Thậm chí còn có cả nguyên nhân là do đầu tư trang thiết bị mới, đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm mới... nên giá tăng.

Thế nhưng, một trình dược viên có thâm niên một hãng dược phẩm R. (Ấn Độ)  cho rằng, giá thuốc tăng cũng một phần do những khoản chi tiêu cực phí (hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ kê toa, cho khoa dược BV...). Ngoài ra, cộng thêm vào giá thuốc còn có chi phí quảng cáo ồ ạt, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu góp phần "đội giá" thuốc lên nhiều lần.

Trao đổi với PV, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế - cho rằng, mặc dù TPHCM chiếm 70% thị phần dược phẩm của cả nước, tuy nhiên, sở không quản lý giá cả của các DN dược nước ngoài và các tỉnh khác khi có thuốc lưu hành trên địa bàn TPHCM, mà cấp quản lý là Cục Quản lý dược.

Để hạn chế việc tăng giá tự phát, Cục Quản lý dược nên đề nghị các DN công bố giá thuốc nhập khẩu (giá CIF) để các nhà bán buôn, bán lẻ có thể căn cứ vào giá này mà quyết định mua hàng của ai, nhà cung cấp nào họ cho là hợp lý...

Theo Võ Tuấn
Lao Động

MỚI - NÓNG