Thượng đỉnh GMS: Thông qua 3 văn kiện, khung đầu tư 227 dự án

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch ADB Takehiko Nakao tại cuộc họp báo chung sau hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch ADB Takehiko Nakao tại cuộc họp báo chung sau hội nghị. Ảnh: VGP
TPO - Ngày 31/3, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS lần thứ sáu (GMS-6) đã bế mạc và thông qua 3 văn kiện bao gồm Tuyên bố chung của hội nghị, Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực vùng vào 2022 với 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD.

Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 25 năm hợp tác của GMS và thảo luận về những cơ hội và thách thức mà khu vực GMS phải đối mặt cũng nhưcác định hướng lớn cho hợp tác GMS trong thời gian tới.

Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong 25 năm qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10.000 km đường bộ, 500 km đường sắt, và 3.000 km đường dây truyền tải điện.

GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và ven biển phía Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như thuận lợi hoá thương mại, nông nghiệp, môi trường đều đạt những kết quả đáng khích lệ. Tiểu vùng Mekong mở rộng hiện đã là một khu vực năng động, hội nhập và có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ cảm ơn đối với sự hỗ trợ hiệu quả của ADB trong vai trò Ban Thư ký của cơ chế hợp tác, giúp các nước thành viên huy động lượng vốn rất lớn phục vụ cho các dự án hợp tác.

Hội nghị đã ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhất trí khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau 2022 cho hợp tác GMS nhằm giúp các quốc gia thành viên thực hiện thành công Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc,nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với thách thức chung của khu vực, và bảo đảm hợp tác GMS kịp thời đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, nội dung hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước cũng được các nhà Lãnh đạo thảo luận. Hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về sử dụng bền vững và cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác xuyên biên giới và các nỗ lực chung nhằm đạt an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng đã ghi nhận chiến lược hợp tác ngành trên các lĩnh vực giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hợp tác GMS là cơ chế đầu tiên được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mekong và khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác GMS vì hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững tại khu vực.

Trong 25 năm qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh”.

 Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh GMS phải thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung; hợp tác hướng tới cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; ưu tiên triển khai hiệu quả Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030, Hiệp định COP21 Paris về biến đổi khí hậu, và hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại cuộc họp báo chung ngay sau bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những dấu ấn của hội nghị lần này trước hết là số lượng đại biểu rất đông, lên tới hàng nghìn người, kể cả đoàn ngoại giao. Số lượng phóng viên theo dõi hội nghị cũng rất lớn, hơn 400 phóng viên trong và ngoài nước, gấp đôi so với dự kiến. Dấu ấn nữa là việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS theo sáng kiến của Việt Nam.

Còn ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ:“Tôi lạc quan về tăng trưởng của khu vực này. Trong tổng số 21 tỷ USD tài trợ cho khu vực này trong 5 năm tới, thì ADB đóng góp 8 tỷ USD. Với các dự án xây dựng đường cao tốc, ADB cũng chú trọng nâng cao năng lực cho cộng đồng, trong đó có các hỗ trợ cho phụ nữ để họ có thể ra thành phố kiếm tiền thuận lợi hơn để tăng thêm thu nhập và  hỗ trợ gia đình".

MỚI - NÓNG