Thương hiệu Việt: Đang ở top... cuối cùng!

Thương hiệu Việt: Đang ở top... cuối cùng!
TP - Chưa có một tổ chức nào điều tra khảo sát và xếp hạng nhưng nếu xét một cách định tính, nền kinh tế của TQ hùng mạnh như vậy mà họ vẫn cho là đang xếp ở vị trí rất thấp (vì chủ yếu vẫn là gia công chế biến), VN còn ở mức thấp hơn, có lẽ phải ở tận đáy.

Ngày 24/3, Hội thảo “Vị trí thương hiệu Việt sau một năm gia nhập WTO”, diễn ra tại TPHCM.

Tại Hội thảo, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng:  Sau 1 năm gia nhập WTO, VN đã có bước tiến dài khi xây dựng được một hình ảnh tốt đẹp, quảng bá thương hiệu của mình như một nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định về kinh tế, xã hội, lực lượng lao động trẻ, vị trí địa lý chiến lược, chính phủ sẵn sàng hợp tác và đối thoại với doanh nghiệp,…

Một số doanh nhân nước ngoài từ ngưỡng mộ lịch sử hào hùng của VN nên đã tăng thêm niềm tin, cam kết gắn bó với VN. 

“Tuy vậy, vinh quang của lịch sử dẫu sáng chói đến mấy phải luôn được duy trì, tái tạo và chứng minh bằng thực tế, bằng hành động trong hiện tại để có sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư” – ông Doanh nói.

Thông tin tại Hội thảo cho hay, hiện hơn 60% giá trị hàng xuất khẩu của nước ta vẫn là nhiên liệu (dầu thô, than đá), nông sản sơ chế (gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản đông lạnh) hay gia công chế biến với giá trị gia tăng thấp.

Tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào gia tăng đầu vào như đất đai, tiền vốn, lao động, năng lượng và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của kết cấu hạ tầng nên thương hiệu VN vẫn phụ thuộc vào lịch sử, đất nước con người, du lịch, ẩm thực…

Không chỉ thế, thời gian gần đây, còn xuất hiện một số vấn đề như, chỉ số lạm phát tăng cao xuất phát từ những yếu kém trong quản lý, điều hành, dự báo vỹ mô trong năm 2007 và các chính sách can thiệp như thắt chặt tiền tệ, tăng  tỷ lệ dự trữ bắt buộc và buộc các NH thương mại mua tín phiếu…, trong khi đó các nhà quản lý có thể sử dụng nhiều chính sách khác mềm dẻo hơn để tránh lâm vào thế “lấy đá ghè chân mình”.

TS Lê Đăng Doanh chỉ ra một nghịch lý “thừa mà thiếu” tồn tại trong chính nguồn nhân lực trẻ, đông đảo - yếu tố được xem là thế mạnh của thương hiệu Việt:

Vừa qua, Cty Intel có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động nhưng chỉ có 200/2.000 hồ sơ dự tuyển đạt yêu cầu. Sau khi phỏng vấn, chỉ còn 67 người đủ điều kiện tiếp nhận.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng (GCI) của VN thuộc vào nhóm 1/3 các nước có xếp hạng thấp trên thế giới.

Xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng còn thấp hơn, trong khi thứ hạng này đều được các nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định đầu tư.

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại thẳng thắn nhìn nhận: Chưa có một tổ chức nào điều tra khảo sát và xếp hạng nhưng nếu xét một cách định tính, nền kinh tế của TQ hùng mạnh như vậy mà họ vẫn cho là đang xếp ở vị trí rất thấp (vì chủ yếu vẫn là gia công chế biến), VN còn ở mức thấp hơn, có lẽ phải ở tận đáy.

Ngay như 129 thương hiệu được bình chọn là thương hiệu mạnh VN 2007 (do Cục Xúc tiến Thương mại và thời báo Kinh tế VN tổ chức) cũng không là gì cả nếu so với các thương hiệu khác trên thế giới.

MỚI - NÓNG