Thương hiệu gạo Tám Xoan: Bao giờ thành hiện thực?

Thương hiệu gạo Tám Xoan: Bao giờ thành hiện thực?
Hiệp hội Gạo Tám Xoan Hải Hậu (Nam Định) vừa trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, bảo hộ tên gọi xuất xứ gạo Tám Xoan. Đây cũng là bước khởi đầu cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Lâu nay, gạo Việt Nam hiện chủ yếu xuất vào các thị trường tiêu dùng đòi hỏi thấp và khả năng tiêu thụ hạn chế như châu Á, ung Đông, châu Phi... không phải vì gạo Việt Nam không ngon mà vì không có thương hiệu cho gạo đặc sản nên thế giới không biết đến.

Tiến sĩ Đào Thế Anh - Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) - cho biết: “Viện cùng với sự trợ giúp khoa học của các viện nghiên cứu đầu ngành của châu Âu, đã và đang tiến hành xây dựng tên gọi xuất xứ (AOD) có bảo hộ trên toàn thế giới cho gạo Tám Xoan Hải Hậu”.

Tên gọi xuất xứ hàng hoá là một khái niệm rất mới đối với sản phẩm nông sản và đến nay ở Việt Nam chưa có một nông sản nào có thương hiệu được nhà nước bảo hộ trên thị trường. Những sản phẩm đã nổi tiếng trên thị trường như: nước mắm Phú Quốc, chè San tuyết Mộc Châu...cũng mới chỉ được đăng bạ chứ chưa được bảo hộ trên thị trường.

“Chính vì vậy khi quyết định tiến hành hoạt động này chúng tôi cũng đã xác định đây là một lĩnh vực rất mới ở Việt nam và đòi hỏi rất nhiều cố gắng, công sức thì mới có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là gạo tám xoan được bảo hộ với hình thức tên gọi xuất xứ” - Tiến sĩ Đào Thế Anh nói.

Theo kỹ sư Đào Đức Huấn - người của Viện KH nông nghiệp “thường trực” ở Hiệp hội, việc xây dựng tên gọi cho sản phẩm là một cách làm phổ biến trên thế giới để bảo tồn các giống truyền thống, kỹ thuật bản địa và văn hoá người dân. Nếu dự án thành công, gạo tám xoan Hải Hậu sẽ là thương hiệu đầu tiên cho gạo Việt Nam.

Được biết, hồ sơ xin đăng bạ và hồ sơ xin bảo hộ gạo tám xoan Hải Hậu đã được đệ trình lên Cục sở hữu trí tuệ, tuy nhiên theo Cục sở hữu trí tuệ thì cơ chế hiện hành cho việc đăng ký nói trên đã không còn hiệu lực từ cuối năm 2004, và cơ chế mới thì đang chờ phê duyệt.

Bởi vậy, thời gian chờ đợi để “thương hiệu” của Hiệp hội được thông qua vẫn chưa có “cấp” nào trả lời cụ thể, “đến khi nào quy chế mới có hiệu lực thì hồ sơ của chúng tôi mới bắt đầu được xem xét đến” - Ông Huấn nói.

Những người nông dân có thể dễ dàng đoán trước thời gian đâm hạt trổ bông của cây lúa, thế nhưng cho đến bao giờ “hồ sơ cây lúa” được thông qua thì họ vẫn chưa có câu trả lời. “Và trong thời gian chờ đợi trên thị trường Hà Nội, đặc biệt là tại các siêu thị, gạo tám xoan Hải Hậu đang được bày bán tràn lan mà đa số đều là các sản phẩm không hề tuân thủ các quy định của tên gọi xuất xứ.

Trong khi đó, Hiệp hội ra đời lại là điều kiện để nhiều cá nhân lợi dụng nhái nhãn mác, với điều kiện hiện nay Hiệp hội vẫn chưa có đủ khả năng về tài chính cũng như chế tài để kiểm soát được vấn đề này” - Bà Hoàng Thị Nhẫn, Chủ tịch Hiệp hội gạo tám Xoan Hải Hậu nói.

MỚI - NÓNG