Thủy điện Đại Ninh hòa mạng lưới quốc gia 1,2 tỷ KWh điện/năm

Thủy điện Đại Ninh hòa mạng lưới quốc gia 1,2 tỷ KWh điện/năm
TP - Từ đầu năm 2008, nhà máy thủy điện Đại Ninh sẽ cung cấp gần 1,2 tỷ KWh điện cho quốc gia hằng năm. Công trình do nhà thầu Hazama, Kajima Kumagay và Tổng Cty Sông Đà thi công.
Thủy điện Đại Ninh hòa mạng lưới quốc gia 1,2 tỷ KWh điện/năm ảnh 1
Một góc nhà máy thủy điện Đại Ninh

Sau hơn 4 năm xây dựng, khởi công từ ngày 10/5/2003, những ngày này cán bộ - công nhân Việt Nam và chuyên gia nước ngoài trên công trường xây dựng thủy điện Đại Ninh (Bình Thuận) đang khẩn trương bước vào giai đoạn cuối để vận hành tổ máy thứ nhất vào cuối tháng 11 và tổ máy thứ hai chính thức hoạt động vào cuối năm 2007. 

Hai tổ máy có tổng công suất 300MW ( 150MW/ tổ máy) được “chạy” bằng cột nước cao khoảng 630 mét xuyên qua đường hầm trong lòng núi có đường kính 4,5 mét và dài 11,2 km; rồi “chui” vào đường ống áp lực đường kính 3,2 mét với chiều dài 1,8 km để đến nhà máy.

Từ đầu năm 2008, nhà máy thủy điện Đại Ninh sẽ cung cấp gần 1,2 tỷ KWh điện cho quốc gia hằng năm. Sau đó, nguồn nước của thủy điện Đại Ninh còn sử dụng cho nhà máy thủy điện Bắc Bình có công suất 33 MW đang được thi công, trước khi cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho vùng khô hạn Bắc Bình và Bắc Phan Thiết.

Tuyến đầu mối thủy điện Đại Ninh thuộc địa phận huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có hai hồ chứa Đa Queyon và Đa Nhim nối thông nhau bởi một con kênh dài 2,5 km; tạo thành hồ chứa lớn dung tích 320 triệu m3 với gần 2.000 ha mặt nước nằm sát quốc lộ 20, cách thành phố Đà Lạt khoảng 40 km.

Nhìn từ xa, đường ống thép dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy trên địa phận huyện Bắc Bình (Bình Thuận) như con rắn sáng loáng ẩn hiện trong sương mù và cây xanh. Công trình quốc gia này có tổng vốn đầu tư khoảng 435 triệu USD.

Quyết tâm không cho nước… “đi hoang”

Thủy điện Đại Ninh hòa mạng lưới quốc gia 1,2 tỷ KWh điện/năm ảnh 2
Công nhân trên công trường nhà máy thủy điện Đại Ninh

Khi nhà máy thủy điện Đại Ninh phát điện, lưu lượng nước xả qua tua bin tối đa đến 55 m3/giây; nguồn nước này vô cùng quý giá đối với vùng sa mạc hóa Bắc Bình.

Chẳng lẽ để nước… “đi hoang” ra biển? Nên những ngày này, tại nhà máy thủy điện Đại Ninh, trong lúc không khí lao động hết sức khẩn trương thì không khí lao động phía hạ du, trên công trường xây dựng kênh tiếp nước hồ Cà Dây của Cty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cũng khẩn trương không kém.

Cán bộ, công nhân ở đây quyết tâm hoàn thành công trình đập đầu mối và 14km kênh đào trước cuối tháng 11 để đón nguồn nước Đại Ninh, với lưu lượng từ 8 - 12 m3/giây đưa vào hồ Cà Dây.

Trước đó, từ tháng 12/2005, Cty Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận cũng đã nâng cấp và mở ba cống đập 812 ở hạ lưu sông Lũy, đào 30 km kênh tưới cho 850 ha đất nông nghiệp vùng Úy Thay và tưới cho khoảng 2.000 ha ruộng “ăn” nuớc trời phía Bắc huyện vốn khô hạn.

Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Bắc Bình – kỹ sư Nguyễn Văn Tuyến cho biết: “Khi thủy điện Đại Ninh hoạt động, hai công trình kênh tiếp nước Cà Dây và kênh Úy Thay hoàn thiện, khoảng 15.000 ha đất canh tác của Bắc Bình sẽ được tưới cả ba vụ”.

Bằng sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân Cty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, chỉ với vốn đầu tư 30 tỷ đồng cho hai công trình, chắc chắn vùng đất khô hạn Bắc Bình sẽ không còn nguy cơ sa mạc hóa nhờ nguồn nước xả Đại Ninh. Nhưng cả hai công trình trên cũng chỉ tiếp nhận được lưu lượng nước xả Đại Ninh khoảng 15 m3/giây.

Còn một lượng nước lưu lượng khoảng 30 - 40 m3/giây vẫn “đi hoang” về phía biển cho đến khi nào dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết trở thành hiện thực. 

MỚI - NÓNG