Thủy sản miền Trung: Hậu quả từ tăng trưởng “nóng”

Thủy sản miền Trung: Hậu quả từ tăng trưởng “nóng”
TP - Sự thất bại của thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung vài năm trở lại đây đã vượt khỏi dự đoán của các nhà quản lý và chuyên gia. Quy hoạch lộn xộn, công nghệ yếu kém, trình độ kỹ thuật lạc hậu… là “tác nhân” chính cho sự thất bại này.
Thủy sản miền Trung: Hậu quả từ tăng trưởng “nóng” ảnh 1

Đầm nuôi tôm ở Nghệ An

Nếu như năm 2000 sản lượng thủy sản nuôi của miền Trung khoảng 52.000 tấn thì đến 2005 đã tăng lên trên 87.000 tấn. Hiện đã có trên 250.000 lao động nghề cá và sống phụ thuộc đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Riêng năm 2005, diện tích sử dụng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn đã đạt 29.000 ha, trong đó chủ yếu nuôi tôm (khoảng 28.000 ha). Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích tới 8%, về sản lượng tới 6%; riêng sản lượng tôm sú tăng kỷ lục: 16%/năm.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nuôi trồng thủy sản miền Trung không còn thuận lợi như trước, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bộc lộ sự thiếu bền vững, nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong sản xuất tôm giống, nhiều cơ sở thua lỗ nặng, phải đóng cửa. Không ít dự án nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm trên cát thất thu, phải phá sản.

Sự phát triển tự phát, ồ ạt đã tạo ra sự tăng trưởng “nóng” cả về diện tích lẫn sản lượng. Do đó, thực tế hiệu quả nuôi tôm đã không được như mong muốn.

Chỉ riêng năm 2005, khu vực này đã có hơn 3.000 ha tôm nuôi bị bệnh, 250 triệu con giống chết, thiệt hại ước 1.300 triệu đồng. Theo một thống kê khác, số hộ dân lãnh hậu quả đã lên đến bốn chữ số.

Ngoài việc cung cấp tôm giống cho các vùng khác, sự phát triển bất thường về diện tích của miền Trung khiến nhu cầu tôm giống tăng cao, tạo ra sự tăng trưởng “nóng” về tôm giống.

Năm 2005, toàn miền Trung có 2.582 trại tôm giống, sản xuất trên gần 14 tỷ con. Trong đó, riêng Ninh Thuận có 1.200 trại, Khánh Hòa: 1.200. Thế nhưng, chất lượng tôm giống chưa cao, đặc biệt khi đưa vào nuôi trồng thì tỷ lệ thành công quá thấp.

Trung bình đưa 100 con tôm giống vào nuôi trồng thì chỉ thu được 1 kg thịt. Hàng trăm trại tôm giống đã phải đóng cửa với số nợ hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu do chất lượng thấp, không điều tiết được mùa vụ.

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo quy hoạch, diện tích mặt nước của các tỉnh ven biển miền Trung có tiềm năng lớn, với diện tích nuôi trồng thủy sản tới 262.600 ha.

Trong đó, diện tích vùng đầm phá: 12.000/61.000 ha tiềm năng; diện tích vùng triều: 95.159ha; vùng bãi cát: 26.000/142.000 ha tiềm năng; nuôi trên biển 59.600 ha; vùng chuyển đổi: 50.000 ha. Việc đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhằm xóa đói giảm nghèo là hướng đi đúng.

Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng “nóng”, hiệu quả không cao, cần phải có sự đánh giá lại về nuôi trồng thủy sản và tìm ra những giải pháp thích hợp để phát triển hiệu quả, bền vững.

(Nguồn: Bộ Thủy sản)

Bộ Thủy sản nhận định: Sự phát triển quá nhanh về diện tích nuôi trồng, trong khi hầu như chưa có tỉnh nào có quy hoạch thủy lợi cho thủy sản đã cản trở sự thành công của thuỷ sản miền Trung.

Ngay cả việc triển khai dự án Quy hoạch thủy lợi của Bộ này cũng rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ hiệu quả nuôi trồng của hàng vạn người dân.

Thậm chí, việc quy hoạch chỉ tập trung những vùng sản xuất nguyên liệu cho xuất khẩu mà ít chú ý tới việc nuôi trồng phải gắn liền an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, khiến nhiều điểm bị ô nhiễm môi trường; tôm nuôi bị dịch bệnh; người dân bị thua lỗ, nợ nần chồng chất…

Riêng việc quy hoạch thiếu đồng bộ đã khiến nhiều khu sản xuất giống, nuôi trồng lãng phí nhiều tỷ đồng, như khu sản xuất giống tập trung Cam Lập (Khánh Hòa) đang tập trung xây dựng thì phải dừng lại, nhường chỗ cho khu du lịch nghỉ dưỡng…

Ở góc độ khác, nước sử dụng cho nuôi tôm trên cát với khoảng 20.000 m3/ha/vụ đã khiến cạn kiệt nguồn nước ngầm, lún sụt địa tầng, nước mặn lấn sâu đất liền, ảnh hưởng không nhỏ hàng vạn hộ dân, mà tiêu biểu là khu vực nuôi tôm của Cty TNHH Việt Mỹ ở Hà Tĩnh.

Đức Kế

MỚI - NÓNG