Tỉ giá giữa “hai làn đạn”

Tỉ giá giữa “hai làn đạn”
Ngày 23/4, giá USD tại thị trường tự do đã tăng sau khi có xu hướng giảm trong những ngày trước đó. Tại các ngân hàng, giao dịch ngoại tệ từ chỗ sôi động trong vài ngày trước cũng đã trầm lắng trở lại.
Tỉ giá giữa “hai làn đạn” ảnh 1
Thị trường ngoại tệ đóng băng do tình trạng găm giữ USD.

Nguyên nhân, theo các NH, vài ngày qua có thông tin có khả năng Nhà nước sẽ tái áp dụng biện pháp kết hối ngoại tệ như đã từng thực hiện trong những năm còn khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đã vội bán USD vì lo ngại giá sẽ giảm, kéo giá USD tiền mặt tại thị trường tự do giảm theo. Tuy nhiên, chưa thấy tin đồn thành hiện thực, thị trường trở lại đóng băng, lại găm hàng, đẩy giá lên.

Ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - nói rằng khó mua USD là do doanh nghiệp có USD đã găm giữ nên NH không có đủ USD để bán lại cho nhà nhập khẩu.

Nguyên nhân là do thị trường kỳ vọng quá lớn vào khả năng tỉ giá sẽ còn tăng thêm. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu vì lo ngại tỉ giá tăng nên đã “dứt khoát” không vay USD mà chỉ chăm bẳm tìm mua USD để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp lập luận: chịu khó tìm mua USD để thanh toán mới có thể “ngủ yên” mà không hồi hộp trước các biến động tỉ giá. Vì thế, thị trường đã thiếu lại càng thêm khan.

Theo ông Hạnh, Nhà nước vẫn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như xăng dầu, thuốc chữa bệnh... Với các nhu cầu khác, phải do nhà xuất khẩu bán lại cho nhà nhập khẩu thông qua NH.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia - khẳng định không thiếu USD. Nhu cầu USD cho nhập khẩu đang ở mức thấp do nhiều nguyên nhân: suy giảm kinh tế, xuất khẩu chậm lại kéo nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu giảm theo và giá hàng hóa trên thế giới giảm. Thị trường khan hiếm là do nạn găm giữ USD.

Kỳ vọng tỉ giá tăng luôn hiện hữu trong nền kinh tế nhưng lại bùng lên sau khi nhiều ý kiến cho rằng đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của VN sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ. Kỳ vọng này được củng cố sau khi NH Nhà nước điều chỉnh biên độ biến động tỉ giá từ 3% lên 5%. Thị trường “diễn giải” quyết định mở biên độ tỉ giá của NH Nhà nước không theo hướng ổn định tỉ giá, khuyến khích xuất khẩu, tạo cơ sở để doanh nghiệp tính toán kế hoạch kinh doanh trong năm mà là theo hướng sức ép tăng tỉ giá còn đó.

NH Nhà nước cũng đã cố gắng làm “nản lòng” người găm giữ USD khi liên tục giảm tỉ giá bình quân liên NH để kéo giá bán USD, xuống. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn không đủ để người giữ USD cảm thấy bị thiệt mà bán ra. Trong khi NH Nhà nước cũng không thể giảm mãi tỉ giá liên NH vì như thế nhà xuất khẩu lại kêu...

Ông Ngân cho rằng thị trường sẽ trở lại bình thường nếu hóa giải được nạn găm giữ USD, điều đó cũng có nghĩa là phải lập tức tăng cung ngoại tệ. Theo ông Hạnh, có thể thực hiện các biện pháp thị trường, đó là NH Nhà nước can thiệp với tư cách là người mua bán cuối cùng. Có thể dùng một phần trong nguồn thu ngoại tệ có được từ xuất khẩu vàng trong những tháng đầu năm để can thiệp, làm tan băng tâm lý găm giữ ngoại tệ. Khi nguồn cung tăng, giá giảm, người giữ USD sẽ phải bán ra.

Sẽ có kẻ được người mất khi tỉ giá thay đổi, bất kể theo chiều nào. Còn lúc này, cái mất lớn hơn đó là thị trường ngoại tệ đang bị đóng băng.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG