Tỉ phú... không tiền

Tỉ phú... không tiền
Ném hết tài sản cố định lên sàn chứng khoán để đổi lấy những tài sản vô hình "nhảy múa" theo từng con số, một thực tế đang diễn ra đối với nhiều nhà đầu tư - đầu cơ chứng khoán với xu hướng ngày càng tăng.

>> TTCKVN sẽ làm tài sản nhiều người chìm xuống vực?
>> Thế chấp nhà, đất “sốt” theo chứng khoán
>> U40 “đại náo” thị trường chứng khoán...

Nhà cửa, đất đai... của họ đang được "gửi" vô ngân hàng để lấy tiền ném lên sàn. Ai cũng hiểu rằng lãi suất phải trả đều là nhỏ bé so với lợi nhuận từ việc kinh doanh chứng khoán. Tất cả đều say máu.

Để rồi đến lúc, có người đã phải gác tay lên trán và thảng thốt giật mình: Làm giàu không biết bao nhiêu là đủ và làm "nhà giàu" thật... khổ.

Người giàu cầm cố tài sản

Là một đại gia trong mắt xã hội, sống rất tốt và chi tiêu thoải mái với bạn bè, ít ai ngờ cho đến giờ này T. vẫn là một... con nợ lớn của nhiều ngân hàng. Theo đúng thuật ngữ ngân hàng, T. được gọi là "quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng" và sẽ bị "soi" rất kỹ mỗi khi có ý định ra bất kỳ một ngân hàng nào vay tiền. Không sao, chỉ cần mình T. biết rằng hiện anh rất giàu, tài sản trên sàn nhiều gấp khoảng 10 lần so với tổng dư nợ.

Năm nay, cả chục hecta cao su ở Long Thành của T. đến tuổi thu hoạch. Sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Chỉ có điều, T. đã cắm lô đất đó cho ngân hàng A. để lấy khoảng 10 tỉ đồng ném lên sàn chứng khoán.

Vẫn hăng máu, anh cầm cố thêm một cây xăng tại TP.HCM để vay thêm khoảng 2 tỉ. Tiếp tục, T. cầm cố thêm một căn nhà mặt tiền để vay tiền. Vậy là tất cả tài sản cố định của T. đã được ném hết lên sàn, chỉ trừ một chiếc xe hơi. Xe hơi cầm được ít tiền. Mà dân chơi ít dám cầm xe hơi bởi còn phải giữ sĩ diện với bạn bè.

Đôi lúc bạn bè cũng hỏi, khuyên nhủ rằng sao không bán bớt cổ phiếu để trả nợ ngân hàng cho xong. T. chỉ cười, đại ý nói rằng bán cũng chẳng để làm gì, tiền đang được đầu tư tiếp, lãi quay cuồng, dại gì đi trả ngân hàng cho mất vốn.

Mà chơi đến giờ này rồi, đầu óc cũng có "sạn" rồi, khả năng sẩy chân là rất ít. Không cần nói T. lời lãi bao nhiêu, chỉ cần biết hai nhà quản lý "account" của T. chỉ "mua giúp", "chỉ giùm" cho T. nên đánh "con" nào, bán "thằng" nào, giờ cũng lời chừng vài tỉ đồng/người.

Người giàu "khát" tiền

Một tay "cò" chuyên lo thủ tục cầm cố đất đai, nhà cửa kể tôi nghe, từ khi Sài Gòn sốt chứng khoán, dịch vụ của hắn cũng đắt hàng theo rất nhiều.

Tay "cò" này chuyên đăng quảng cáo trên Báo Mua Bán, tin đăng ở trang "nhận tư vấn, làm thủ tục thế chấp nhà cửa, đất đai cho ngân hàng". Trước đây, nhiều người gọi nhờ hắn thế chấp nhà cửa, vay tiền là để làm ăn, mua xe hơi...

Giờ thì khác, "Cứ điện thoại reo là biết khách nhờ vay tiền để chơi chứng khoán. Mà tôi cũng không biết họ làm ăn thế nào. Có nhiều cái nhà đang cho thuê rất "ngon", thế mà họ kêu phá hợp đồng thuê, phải bồi thường, rồi đem thế chấp ngân hàng", hắn nói.

Những trường hợp như thế, tay "cò" này chém rất đẹp, nhân viên ngân hàng cũng thả sức ép giá cho vay đồng thời nâng phí "bao thư" làm hồ sơ, thủ tục. "Thế mà cứ vay, liên tục hỏi "khi nào có tiền". Không biết họ làm ăn thế nào" - tay "cò" tặc lưỡi. 

Hôm 9/3, tôi lên sàn ACB và bắt gặp một nhóm trung niên chuyên kinh doanh bất động sản đang ở trong tình trạng "ném tiền" vô đầu tư chứng khoán. Nhóm này chơi khá lớn, số tiền lên đến cả chục tỉ đồng.

Ngồi bên quán cà phê vỉa hè, vài thành viên trong nhóm thỉnh thoảng lại văng tục, chửi thề bởi sau phiên giao dịch thứ hai của ngày 8/3, nhóm này lỗ tổng cộng gần 3 tỉ đồng. Một vài thành viên trong nhóm tỏ ra cay cú và gọi điện giục bán tiếp đi vài lô đất ở quận Tân Phú để tiếp tục ném tiền lên sàn hòng gỡ gạc.

Người giàu bỏ việc bám sàn

Tôi biết H., một tay chơi chứng khoán trẻ chưa quá 25 tuổi, được đánh giá là chơi ở dạng "ngựa non háu đá". Trước giờ H. làm ở một công ty tin học, cũng được xem là tuổi trẻ tài cao trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh của công ty nên được trả lương 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Thế rồi "hòa tan" theo cơn sốt chứng khoán tràn ngập Sài Gòn, H. cũng mon men lên sàn. Ngắm nghía, học chơi, thử đầu tư vài triệu cho biết. Nhưng đích ngắm của H. không phải như vậy. Thực tế, cậu muốn gây dựng quan hệ với những nhân viên làm tại sàn.

"Viên đạn bọc đường" đã được H. bắn ra: Bước đầu xin số điện thoại làm quen, rồi nhờ họ tư vấn mua giùm cổ phiếu, rồi tiến tới bước thân mật hơn như rủ đi uống cà phê, nhậu nhẹt...

Khi tình cảm đến mức mặn nồng, H. mới ngỏ ý "thiết tha" nhờ anh chị giúp cho em một chân làm việc tại sàn. Thực tế tại các sàn bây giờ, người tài rất khan hiếm nên nguyện vọng của H. lập tức được OK. Thế là cậu hí hửng khăn áo rời khỏi công ty cũ, từ bỏ mức thu nhập cao để sang sàn làm việc, mức lương còn chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.

Làm được chừng một tháng, H. thực hiện bước hai trong kế hoạch của mình: Lặn lội về quê, thuyết phục gia đình... bán đất. Cản không được, cuối cùng H. bán được mảnh đất 1 tỉ đồng để lấy tiền ném lên sàn. Người quen biết cậu không khỏi xót xa, tặc lưỡi cho cách chơi máu me của H. Người chơi thuộc hàng đại gia thì nhếch mép, cười khinh khỉnh, "cứ nhào vô, tưởng ngon hả".

Và người giàu... chán tiền

Tiếp xúc với nhiều tay chơi chứng khoán thâm niên, không khỏi giật mình khi được biết đã có một "lối sống chứng khoán" đang trở thành mốt và âm ỉ bùng phát ở một nhóm người trẻ tuổi, giàu có, tiền bạc rủng rỉnh không biết làm gì.

H. - một công chức - bộc bạch: "Nhóm bạn tôi hồi còn sinh viên thì tiền không có một cắc, mấy năm sau gặp lại đã thấy họ vênh mặt, sống trên mây và nói chuyện cũng ở trên mây".

Theo H. nhóm này giàu lên quá nhanh từ chứng khoán, trong tay mỗi người giờ có vài tỉ, ăn chơi thoải mái. H. nói: "Họ bị ảo tưởng về mình. Thực ra, kiếm tiền từ chứng khoán kiểu này giống như đánh bạc, hên thì thắng. Không phải từ chính năng lực của họ!".

Không hề có thái độ "ghen ăn tức ở" nhưng H. cho rằng, chính những đồng tiền kiếm được quá dễ từ chứng khoán đã làm hư nhóm bạn của chị: Sống hưởng thụ, chểnh mảng với công việc, không chịu bồi bổ kiến thức, đầu óc chỉ quay cuồng chữ "tiền", cư xử "mục hạ vô nhân" với xã hội.

Tôi thì rõ chuyện một đại gia giờ đang sống trong tâm trạng phát "cuồng" vì quá nhiều tiền; không biết làm gì, xài ở đâu cho hết. Một ngày của đại gia này giờ bỗng trở nên nhàm chán với cái lịch gần như cố định: Lên sàn, đánh golf, phóng xe hơi phè phè ngoài đường để cặp bồ và ăn nhậu. Chấm hết.

Anh ta đã có vợ con nhưng bồ bịch thì cả đống, ít khi về nhà quan tâm đến gia đình. Thỉnh thoảng lại đi nước ngoài du lịch, cũng chỉ quanh quẩn đánh bài, bồ bịch.

Với anh ta, tiền bây giờ là cổ phiếu. Một cuộc đi chơi cũng được nhẩm tính ra cổ phiếu. Một chầu nhậu cũng được quy thành cổ phiếu. "Chén" được em nào cũng đổi thành cổ phiếu. Mà cổ phiếu của anh ta thì "vô tận".

Anh ta không có nhiều tiền mặt nhưng hễ cần tiền, bán cổ phiếu lấy vài trăm triệu xài chơi. Bản thân anh ta không còn là chàng thanh niên có lý tưởng sống và khát vọng lớn như ngày xưa nữa. Đôi lúc anh ta cũng bùi ngùi nhìn lại; đời chẳng còn gì là vui, chẳng còn gì để phấn đấu; những cái hắn đã có, đã hưởng thụ thì quá nhiều rồi...

Theo Thiếu Gia
Thanh Niên

MỚI - NÓNG