Tích tụ ruộng đất, xuất khẩu nông dân

Anh Vũ Văn Trọng, Tư vấn viên Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu (Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc), đang tư vấn cho một thanh niên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Trường Phong.
Anh Vũ Văn Trọng, Tư vấn viên Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu (Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc), đang tư vấn cho một thanh niên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Trường Phong.
TP - Đất đai được tích tụ để sản xuất lớn, lao động nông nghiệp được chuyển đổi nghề, ra nước ngoài làm việc tại những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là định hướng mà Vĩnh Tường, một huyện thuần nông thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đang triển khai và được nông dân hưởng ứng.

Dồn thửa, đổi ruộng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, huyện đang đẩy nhanh dồn điền đổi thửa khoảng 600 ha đất nông nghiệp cho bà con với mục đích gộp những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ thành những cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. “Thủ tướng có chỉ đạo, định hướng là phải dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất… thì mới tạo điều kiện cho bà con nông dân làm giàu được. Vĩnh Tường cũng đang đi theo hướng đó”, ông Cường nói. Theo ông Cường, bà con nhân dân trong huyện rất ủng hộ chủ trương dồn điền, đổi thửa. Bằng chứng là huyện chủ trương làm điểm ở hai xã, nhưng đến nay có thêm 5 xã đăng ký thêm. 

“Chúng tôi tiến hành dồn điền, đổi thửa gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong vùng này hiện nay có chăn nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình. Huyện sẽ quy hoạch thành những trang trại chăn nuôi bò sữa, khắc phục tình trạng nuôi bò trong khu dân cư manh mún, nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường”, ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, huyện đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và trồng rau củ quả. Một số doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đã khảo sát, đặt vấn đề đầu tư.

Đánh giá về việc dồn điền, đổi thửa của Vĩnh Tường, ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Sở NN&PT NT Vĩnh Phúc cho rằng, hiện chủ trương của Chính phủ là giảm diện tích lúa và Vĩnh Phúc đang đi theo hướng này. “Mỗi huyện, mỗi xã phải giảm đi. Và từng xã xem lại, chỗ nào một vụ ăn chắc, còn một vụ năm được năm không thì phải có giải pháp khác như thủy sản,  trồng cây ăn quả. Tất nhiên không được làm theo cảm tính mà phải có chuyên môn, trên cơ sở thực tiễn và khoa học”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, bây giờ 3.000 ha trồng lúa 1 vụ của tỉnh Vĩnh Phúc nếu dồn điền đổi thửa lại thì hết khoảng 100 tỷ đồng. “Tôi nói rằng tốn đến 300 tỷ đồng vẫn rẻ quá, vì việc này không chỉ làm cho 5 năm, 10 năm mà mãi mãi về sau”, ông Phong khẳng định.

Xuất khẩu nông dân

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh T;ường Trần Việt Cường, trong quá trình dồn điền đổi thửa, đồng thời rút lao động ở lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Đặc biệt, huyện Vĩnh Tường đang đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho con em nông dân xuất khẩu lao động. Những lao động sau khi hết thời hạn lao động tại nước ngoài, với ngoại ngữ, kỹ năng, kỷ luật lao động học hỏi được tại nước ngoài sẽ được định hướng tới làm việc cho những doanh nghiệp FDI trong địa bàn tỉnh. Đây là một cách đào tạo lao động rất tốt cho chính nhu cầu trong nước, bởi lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc hàng năm cần khá nhiều lao động chất lượng cao.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường cho biết, xã có 12.000 nhân khẩu, trong đó có 6.500 người đang trong độ tuổi lao động. Hiện nay, lao động vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, cùng những chính sách ưu tiên vay vốn đi lao động nước ngoài như: Vay 100 triệu không cần thế chấp tài sản… đã có 200 thanh niên đi lao động nước ngoài chủ yếu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Theo ông Thành, những lao động trẻ này sau khi đi lao động nước ngoài về học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ thuật của nước ngoài, từ đó có thể cải thiện chất lượng nhân lực tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Vĩnh Tường, huyện đang thực hiện dồn thửa đổi ruộng, mỗi gia đình 1 - 2 thửa ruộng, cơ giới hoá sản xuất dẫn đến thừa lượng lao động trẻ nên việc tổ chức dạy nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động đang rất bức thiết. “Huyện đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ đi tu nghiệp Nhật Bản. Có cơ chế hỗ trợ lãi suất, visa, khám sức khỏe. Huyện cũng đã ký liên kết với những đơn vị đưa lao động ra nước ngoài. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Tường thường xuyên tổ chức các hội nghị hướng dẫn phân luồng học sinh ngay từ cấp 3”, ông Bằng nói.

Anh Vũ Văn Trọng, Tư vấn viên Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu (Sở LĐ,TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết, mỗi ngày có khá nhiều phụ huynh đưa con em tới đây để nghe tư vấn về việc làm ở nước ngoài. Được hỗ trợ vay vốn đến 100 triệu đồng, trong khi đó lương cơ bản khá cao. Ví dụ tại Nhật Bản, thực tập sinh có lương cơ bản 24 - 30 triệu đồng/tháng (chưa kể lương làm thêm giờ), Đài Loan thu nhập 17 -20 triệu đồng/tháng… nên nhiều gia đình hướng con cái đi làm việc tại các thị trường này. 

MỚI - NÓNG