Tiền cảm ơn sau trúng thầu là tài sản tham nhũng

Tiền cảm ơn sau trúng thầu là tài sản tham nhũng
TP - Để thu hồi được tài sản tham nhũng (TSTN) không chỉ đơn giản là xác định các biện pháp thu hồi mà quan trọng phải nhận diện, bóc tách được TSTN với các loại tài sản khác.

Theo kết quả khảo sát xã hội học của Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính Trung ương (T.Ư) tại một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng như thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án… về TSTN, kết quả phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng, việc nhận tiền để giúp trúng thầu, tiền cảm ơn sau trúng thầu, nhận căn hộ chung cư cao cấp là TSTN.

Đối với quan niệm về biện pháp thu hồi TSTN hiện cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, biện pháp thu hồi TSTN phổ biến hiện nay là bồi thường thiệt hại về tài sản; áp dụng hình phạt tiền; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp tư pháp nhằm thu hồi TSTN; tịch thu tài sản có được từ tham nhũng; tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc coi các quy định về hình phạt tiền trong Bộ luật Hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng là biện pháp thu hồi TSTN không phù hợp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, tịch thu tài sản có được từ tham nhũng và bồi thường thiệt hại về tài sản là biện pháp chính để thu hồi TSTN. Đối với việc áp dụng hình phạt tiền và tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì lần lượt chỉ có 19% đến 38% cho rằng, đó là biện pháp thu hồi TSTN.

Dù cách hiểu thu hồi TSTN khác nhau, nhưng qua khảo sát cho thấy 82% ý kiến cho rằng, nếu thực hiện tốt việc thu hồi TSTN thì sẽ góp phần làm giảm đáng kể tham nhũng. Tuy nhiên, để thu hồi đạt được kết quả, 88% ý kiến cho rằng cần hoàn thiện pháp luật về tội phạm tham nhũng; 51% ý kiến đề nghị hình sự hóa tội làm giàu bất chính; 72% đề nghị thành lập cơ quan độc lập chống tham nhũng; 69% đề nghị minh bạch tài sản cán bộ công chức và 66% đề nghị có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản cán bộ công chức.

MỚI - NÓNG