Tiền đã đi thì khó về

Nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay, khó xảy ra lừa đảo. (Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh)
Nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay, khó xảy ra lừa đảo. (Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh)
TP - Từ tháng 1-2007 đến tháng 7-2011, trong toàn ngành ngân hàng đã xảy ra 94 vụ vi phạm, với tổng thiệt hại hơn 856 tỷ đồng, hơn 700.000 USD, 3.400 euro…

> Bốn cách kiểm tra nhanh tiền thật, giả
> Không chỉ là quyền lợi cục bộ của ngân hàng

Ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra giám sát, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết như vậy tại hội nghị chuyên đề về tình hình tội phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay, khó xảy ra lừa đảo. (Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh)
Nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay, khó xảy ra lừa đảo.
(Ảnh minh họa của Hồng Vĩnh).

Hội nghị, được tổ chức hôm qua tại TPHCM, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình.

Thu hồi tiền tham nhũng: rất khó

Theo ông Nguyễn Đăng Hồng, trong 94 vụ vi phạm nói trên, hệ thống ngân hàng NN&PTNT (Agribank) “chiếm” đầu bảng với 64 vụ, số tiền gây thiệt hại là 467 tỷ đồng, 650.000 USD và 3.400 euro. Hệ thống ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xảy ra 5 vụ với 215 tỷ đồng; hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xảy ra 3 vụ với số tiền thiệt hại là 4 tỷ đồng và 50.000USD.

Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48), Tổng cục Cảnh sát nói, qua nghiên cứu các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, công an nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến: Cán bộ ngân hàng thông đồng với doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn giả mạo, lập dự án không có thật, tài sản thế chấp không có thật (hoặc có giá trị thực thấp hơn rất nhiều), viết hóa đơn khống giá trị gia tăng để rút tiền nhà nước, điển hình là vụ án Vũ Quốc Hảo, tổng giám đốc Cty Cho thuê tài chính II (Agribank);

Lợi dụng sơ hở trong việc áp dụng công nghệ tin học, quản lý mới trong lĩnh vực ngân hàng, sơ hở trong việc quản lý, kiểm soát để lấy cắp mật khẩu, hạch toán khống trên máy vi tính để rút tiền nhà nước, như vụ chiếm đoạt 4,5 triệu USD của Vietcombank; cán bộ ngân hàng thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân sử dụng tiền của nhà nước kinh doanh chứng khoán, bất động sản, lỗ thì hạch toán cho nhà nước, lãi chuyển cho doanh nghiệp tư nhân chia nhau (vụ án Phạm Tuyết Mai, giám đốc Cty chứng khoán Ngân hàng Công Thương chiếm đoạt 130 tỷ đồng trong thương vụ kinh doanh 3 triệu cổ phiếu của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại);

Lợi dụng việc ký kết tín dụng, bảo lãnh vay vốn để vòi vĩnh hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, điển hình là vụ án Đoàn Tiến Dũng, phó tổng giám đốc BIDV…

“Đặc biệt, gần đây, việc huy động vốn, tiền gửi trong dân cư diễn ra hết sức phức tạp và gay gắt. Nhiều ngân hàng đã huy động với lãi suất hơn 19%/năm, có nơi ra chính sách môi giới cho người gửi tiền”, ông Trần Duy Thanh nói, “một số nhân viên ngân hàng đã cấu kết với nhau, thực hiện các nghiệp vụ gửi- vay ảo để chiếm đoạt tiền ngân hàng”…

Theo ông Thanh, trong hầu hết các vụ án, số tiền cơ quan chức năng thu hồi được là không đáng kể, có vụ không thu lại được đồng nào do các đối tượng sau khi chiếm đoạt tiền đã mang kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản, chuyển ra nước ngoài, cá độ bóng đá hết.

Đại tá Thanh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng trong hệ thống ngân hàng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp là tình trạng các ngân hàng thương mại nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước thiếu công khai về thông tin, nhất là thông tin về nợ xấu, thông tin về các doanh nghiệp “sân sau”.

Nhiều doanh nghiệp khai vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế không có một đồng vốn nào, một số dịch vụ, nghiệp vụ chưa được phép thực hiện nhưng nhiều ngân hàng vẫn công khai làm như đảo nợ, repo chứng khoán, đầu tư tài sản cho thuê…

“Có những cá nhân thành lập hàng chục doanh nghiệp, rồi cứ tay phải bỏ qua tay trái, điển hình như doanh nghiệp Quang Vinh trong vụ án ALCII (Công ty Cho thuê tài chính II-Agribank-PV). “Năm 2008, ALCII đã mất cân đối trên 5.000 tỷ đồng, nhưng năm 2009, có 38 tổ chức tài chính, tín dụng vẫn đổ tiền vào ALCII”.

Kiến nghị thanh tra toàn diện các ngân hàng “sân sau”

Cùng mổ xẻ các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng cho rằng, dù hành vi và thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi, nhưng nếu không có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng thì khó xảy ra các hành vi lừa đảo.

“Chúng tôi kiến nghị Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng xác định phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là lĩnh vực trọng tâm công tác của Ban”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Theo ông, cần kiểm soát chặt việc cấp phép thành lập các ngân hàng nhỏ, kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động của các ngân hàng là sân sau của các tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối.

Tiếp thu các ý kiến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Qua các cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, với những đổ vỡ ngay tại những nước ông tổ nghề ngân hàng như Mỹ, Anh, hệ thống của chúng ta vẫn đứng vững”. Ông Bình thông báo đang đề xuất thành lập quỹ thưởng những cá nhân, tổ chức phát hiện tham nhũng trong hệ thống ngân hàng.

“Chúng tôi đã vận động được khoảng 20 tỷ đồng làm quỹ và đang đề xuất Chính phủ cho thực hiện ngay. Có thể sẽ đề xuất thưởng 30% số tiền tham nhũng cho tổ chức, cá nhân chống tham nhũng để khích lệ anh em”, ông nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Các ngân hàng chú trọng khâu tuyển chọn, đề bạt quản lý cán bộ; kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác hoặc loại ra khỏi tổ chức, đơn vị đối với những cán bộ có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm, tham nhũng. Tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG