'Tiền trảm hậu tấu' hàng ngàn héc-ta đất

'Tiền trảm hậu tấu' hàng ngàn héc-ta đất
TP - Hàng ngàn héc - ta đất tại Long An đang bị lãng phí vì các dự án treo, tỉnh  lại giao thêm hơn ba vạn ha đất chưa được quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng...

Tiếp theo chuyện một tỉnh có đến 13 dự án sân gôn, vừa qua dư luận Long An lại xôn xao về việc Anh hùng lao động  Dương Văn Hữu và hơn 30 hộ nông dân ấp 2 xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An thỉnh cầu chính quyền giữ lại phần đất trồng lúa cao sản hơn 25 ha mà UBND tỉnh Long An chủ trương giao cho một người Hàn Quốc xây dựng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.

Theo chỉ đạo của ông Đỗ Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì đến ngày 30/8/2008 sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư. Hiện chính quyền địa phương đang vận động dân nhận tiền đền bù. Đây là vùng đất lúa có năng suất cao nhất huyện Thủ Thừa và của cả tỉnh Long An.

Trong những năm 1979-1990 chính trên mảnh đất này ông Hữu  đã thực hiện các chương trình lai tạo, nhân giống của GS.TS Võ Tòng Xuân và các cơ quan khoa học khác, tạo ra nhiều giống lúa quốc gia vẫn còn sử dụng đến ngày nay.

Ngay đương kim ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng có thời lặn lội về đây nghiên cứu nhân lúa giống. Theo một cán bộ Hội Nông dân huyện, năm 2007 Thủ Thừa đã xuất khẩu 80.000 tấn nếp loại IR 46 do ông Hữu lai tạo.

Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa – ông Lê Anh Thúy cho biết, nghĩa trang Vĩnh Hằng chủ yếu là để phục vụ cho nhân dân 2 xã Mỹ Phú và Mỹ An của huyện, nhưng nếu người dân bên ngoài có nhu cầu cũng được đáp ứng. Người dân địa phương thắc mắc, cả hai xã này chỉ khoảng hai vạn người liệu có mấy người đủ tiền mua đất chôn ở nghĩa trang sinh thái này?

Khi được hỏi chính quyền huyện có thấy tiếc khi lấy cánh đồng màu mỡ này để làm nghĩa trang, ông Thúy cho rằng cả xã Mỹ Phú đất đai đều màu mỡ chứ không chỉ riêng ấp 2, nên lấy chỗ nào cũng vậy thôi. Ông Nguyễn Sơn Nam, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Long An nói: “Vùng Mỹ Phú - Láng thiếu gì đất trũng, đất xấu. Sao lại lấy đất lúa hai vụ làm nghĩa trang? Hơn nữa, ruộng của chú Hai Hữu và ấp 2 Mỹ Phú hàng chục năm nay đã được kiến thiết đồng ruộng kênh thủy lợi hoàn chỉnh”.

Ngoài ra, người dân địa phương lo ngại là khu nghĩa trang này nằm sát với khu dân cư và một trường học, liệu có bảo đảm vệ sinh môi trường?

Cấp đất trước, quy hoạch sau

Ông Sơn Nam cho rằng đây là trường hợp điển hình của tình trạng quản lý lộn ngược, chạy theo yêu cầu nhà đầu tư, cấp đất trước quy hoạch sau. Không riêng Mỹ Phú mà dọc theo quốc lộ 1 và các tỉnh lộ thuận lợi giao thông, có sẵn cơ sở hạ tầng nhiều vùng đất lúa nông nghiệp loại 1 của tỉnh cũng đã bị biến thành khu công nghiệp, trong khi những vùng đất xấu như Đức Huệ, Đồng Tháp Mười lẽ ra nên chuyển mục đích sử dụng đất sang công nghiệp thì lại không làm.

Trong báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh Long An về điều chỉnh quy hoạch  sử dụng đất đến năm 2010, Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Long An cũng đã nêu tình trạng “tiền trảm hậu tấu” diện tích hàng ngàn ha của tỉnh này. Theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chiều theo ý các nhà đầu tư và thực hiện theo nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án.

Vì thế, nghị quyết của HĐND tỉnh thực chất là hợp pháp hóa cho những chuyện mà UBND tỉnh đã làm rồi. Báo cáo thẩm tra này đã phải đề xuất hết sức gượng ép như sau:“Đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết về  điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu bổ sung quy hoạch đất công nghiệp đến năm 2010 với diện tích là 3.871 ha, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu khu dân cư đô thị sinh thái đến năm 2010 là 2.215 ha và chỉ tiêu đất giáo dục là 270ha. Vì thực chất số diện tích của 3 loại đất trên UBND tỉnh đã giao cho nhà đầu tư triển khai dự án…”.

Điều đáng lo ngại là hiện nay tại 16 khu công nghiệp của tỉnh (diện tích đất cho thuê hơn 4.300 ha) chỉ mới cho thuê được hơn 500 ha. Có hàng chục dự án khu đô thị, khu dân cư với diện tích hàng trăm ha quá thời hạn triển khai đang phải thu hồi nhưng chưa biết sử dụng vào việc gì, diện tích 10 dự án sân gôn hơn 2.000 ha phải chuyển đổi mục đích cũng chưa rõ sẽ làm gì.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.