Tiếng bấc, tiếng chì trong vụ đầu tư trăm triệu USD vào ứng dụng gọi xe

TPO - Thương vụ đầu tư hàng trăm triệu USD cho ứng dụng gọi xe FaceCar từng được đánh giá là cú hích cho các nhà khởi nghiệp 4.0 khi thông tin quá trình thương lượng này được hãng tin Bloomberg, một hãng tin lớn của Mỹ, đăng tải. Nhưng kết cục thương vụ này không thành, thậm chí còn để lại “tiếng bấc, tiếng chì” cho các bên.

Từ thương vụ được Bloomberg đăng tin...

FaceCar vốn là phần mềm ứng dụng gọi xe qua smartphone của nhóm startup Việt Nam được đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 12/2016. Tuy nhiên, ứng dụng FaceCar chỉ thực sự được quan tâm khi bất ngờ xuất hiện thông tin một nhà đầu tư đến từ Đức, quyết định đầu tư 400 triệu USD trong 6 tháng cho công tác hoàn thiện hạ tầng, giải pháp công nghệ, xây dựng bộ máy hoạt động và thương hiệu; 20% được giải ngân trong 4 tháng tiếp theo.

Thương vụ FaceCar lúc bấy giờ cũng được đánh giá là cú hích cho các nhà khởi nghiệp 4.0 khi thông tin quá trình thương lượng này được hãng tin Bloomberg, một hãng tin lớn của Mỹ đăng tải.

Sự việc tưởng chừng thuận chèo mát mái, thì trên tài khoản facebook được xác nhận là của ông Trần Thành Nam-người được cho là nhà sáng lập FaceCar lúc bấy giờ, xuất hiện bài viết với thông tin cho rằng “phía nhà đầu tư Đức đã lừa đảo và hoàn toàn không có bất kỳ kế hoạch khả thi cho việc đầu tư và phát triển FaceCar”.

Dòng facebook này ngay lập tức khiến cộng đồng khởi nghiệp 4.0 xôn xao. Một số tờ báo đăng lại.

Thế nhưng sau đó, bài viết của ông Trần Thành Nam trên facebook cá nhân bị gỡ bỏ; một số tờ báo cũng đăng bài đính chính với nội dung: “Ông Trần Thanh Nam, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe FaceCar khẳng định với báo rằng nhà đầu tư Đức và FaceCar chưa từng ký kết hợp tác đầu tư với nhau, đồng thời khẳng định nhà đầu tư Đức chưa hề lừa đảo ông Nam hay FaceCar”.

Tiếng bấc, tiếng chì trong vụ đầu tư trăm triệu USD vào ứng dụng gọi xe ảnh 1 Thương vụ FaceCar lùm xùm từ năm 2016 đến nay

Cơm không lành, canh không ngọt

Theo nhà đầu tư đến từ Đức, những thông tin “đăng lên rồi rút xuống” của ông Trần Thanh Nam kể trên khiến họ bị tổn thất về danh dự, tài chính, kế hoạch kinh doanh trong thời điểm họ vừa gia nhập lĩnh vực công nghệ 4.0.

Nhà đầu tư đến từ Đức cũng cho rằng, thông tin ông Trần Thành Nam là chủ của FaceCar là không chính xác.

Dẫn chứng từ nhà đầu tư đến Đức cho thấy, theo giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp được cấp bởi Sở KH&ĐT TPHCM, thành viên góp vốn của Công ty TNHH Ứng dụng Công nghệ FaceCar là ông N.Á.D với 51% cổ phần và bà H.T.N với 49% cổ phần.

Theo nhà đầu tư đến Đức, ngay từ thời điểm kêu gọi hợp tác, ông Trần Thành Nam không được xem là người sở hữu hợp pháp của ứng dụng FaceCar.

Luật sư Nguyễn Hữu Hưng, đoàn Luật sư TPHCM, cho biết nếu ứng dụng FaceCar chưa được chuyển nhượng cho công ty TNHH FaceCar, trở thành tài sản do công ty này quản lý và khai thác, thì thực ra FaceCar là ứng dụng đang hoạt động chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Như vậy, giấy phép này, nếu có, sẽ được cấp cho công ty TNHH Ứng dụng công nghệ FaceCar chứ không phải ứng dụng FaceCar.

Trường hợp thứ 2, nếu ứng dụng FaceCar đã được chuyển nhượng trở thành tài sản do công ty TNHH Ứng dụng công nghệ FaceCar quản lý và khai thác thì người có trách nhiệm quản lý, sở hữu ứng dụng phải là công ty này, tức là ông N.Á.D với 51% cổ phần và bà H.T.N với 49% cổ phần. Vì vậy, ông Trần Thành Nam không có bất kỳ pháp nhân nào để tiến hành kêu gọi, thương lượng, thỏa thuận liên quan FaceCar, càng không có đủ tư cách để kết luận phía nhà đầu tư lừa đảo cá nhân mình.

Bằng chứng là mới đây, các thành viên góp vốn này cũng đã chuyển giao ứng dụng FaceCar cho các đối tác khác và đối tác mua lại đã đổi thành tên mới.

Đại diện của nhà đầu tư người Đức ở Việt Nam cho biết, năm 2016 cả hai bên chỉ cùng bàn thảo về việc hợp tác đầu tư phát triển dự án FaceCar tại Việt Nam nhưng chỉ dừng lại ở mức độ thẩm định, khảo sát dự án. Ngay cả công ty quản lý dự án, đối tác cũng chưa thành lập.

“Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và thấy ông Trần Thành Nam không đủ tư cách pháp lý là chủ sở hữu của thương hiệu FaceCar nên chúng tôi đã ngừng hợp tác với ông Nam và chuyển qua hỗ trợ những dự án khởi nghiệp khác”- đại diện nhà đầu tư Đức cho hay.

Nhà đầu tư Đức cho biết đã thuê luật sư và lập vi bằng về việc thông tin sai sự thật về nhà đầu tư để xử lý theo quy định pháp luật.

Về phần mình, ông Trần Thành Nam nói rằng: "Tôi chỉ viết trên trang facebook cá nhân là "nghi ngờ lừa đảo" và tôi thấy không đúng nên sau đó đã xoá thông tin về nhà đầu tư Đức. Còn các báo lấy thông tin đăng thì là việc của họ chứ tôi không liên quan".

MỚI - NÓNG