Tiếng leng keng ngày ấy - bây giờ

Nhớ tiếng leng keng thân thương của Hà Nội một thời
Nhớ tiếng leng keng thân thương của Hà Nội một thời
TP - Những chuyến buýt gắn dòng chữ “ Hanoibus” hằng ngày vẫn dong duổi cần mẫn, bền bỉ cõng hành khách đi khắp ngả đường, con phố Thủ đô. Nhưng cái tên “xí nghiệp xe điện” dường như gợi lại hồn cốt của vận tải công cộng Thủ đô ngày nào với tiếng leng keng đầy nhớ nhung, da diết…

Nhớ tiếng leng keng chiều cuối đông


Nhà văn Tô Hoài từng mô tả xe điện trong thành phố vươn cần quèn quẹt trên lằn dây điện, bánh tầu ken két, lượn nghiêng vào bến. Đôi khi tàu còn kéo thêm toa màu vàng đằng sau. Người vát man mặc áo vàng tây đứng đầu tàu vặn máy, trước mặt ông có cái thùng to như cái bễ rèn. Hai tay cầm hai khóa đồng, vặn đi vặn lại trên mặt bễ rèn. Tầu leng keng kéo chuông khi qua ngã tư, chỗ đông người. Dừng lại đón khách, tàu mở dần tốc độ, mở 2, mở 3, rồi mở lên 7. Thuở ấy có tiếng người nói tàu đi nhanh “chạy mở bảy” là thế...

Hẳn vẫn còn đó ký ức của cả triệu người Hà Thành về những chuyến xe điện từ Bờ Hồ qua phố cổ, đi Cầu Giấy, về Hà Đông. Cả gần trăm năm xe điện già nua cõng lên thân mình ngần ấy tâm hồn và nỗi bộn bề cuộc sống, nhất vào thời bao cấp, của người Hà Nội. Khách lên xuống chật cứng. Ngày mùa đông chen lên thật ấm, ai đó hớt hải gọi nhau tìm chỗ ngồi dọc toa. Ngày giáp Tết thì càng bộn bề hàng, hoa, và cả pháo tét nữa, vừa văn minh, vừa lủng củng. Tiếng hát xẩm trên xe điện lẫn lộn vui buồn. Xe leng keng chuông kéo chạy đi như chao võng. 

Nhà văn Đỗ Chu bảo là ngày ấy được đi xe điện vừa sang vừa mến, trẻ con mơ được đi xe điện, hát tụng là “Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba, liền ông cho chí liền bà, ai mà sang trọng thì là nhảy lên…”. Nhà thơ Vũ Quần Phương thì nhớ như in hai loại vé xe điện ngày ấy, hạng nhất ở toa đầu có ghế mềm, hạng hai ghế cứng phía sau kê dọc nhìn đối diện nhau, vé mỏng sơ sài chỉ lớn hơn đầu ngón tay. Tàu như bách hóa lưu động, bán kem, bán sách, bán mẹt, chè chén, thuốc lào, ăn xin…Xe điện, cái toa đầu kèm máy tàu kéo theo toa có bánh sắt chạy trên đường ray, chuông vẳng lên cả ngày khắp phố dài Hà Nội, và cho đến ngày nay vẫn chưa có một phương tiện vận chuyển hành khách nào ở đô thị nước ta lớn hơn thế - Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức, nhất là ký ức của người Hà Nội và đặc biệt những người làm nghề của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội. Nhưng bây giờ xe buýt dềnh dang trên những tuyến phố, nhìn dòng chữ “ Transerco”, ít người trong giới trẻ biết rằng có một thông điệp mang đầy trách nhiệm của gần vạn con người làm nghề “buýt” luôn đầy ắp tâm hồn, nỗi niềm khác của họ. 

Tiếng leng keng ngày ấy - bây giờ ảnh 1 Quả chuông tàu điện duy nhất của Hà Nội còn lại
Giám đốc Xí nghiệp Xe điện, ông Nguyễn Hữu Hồng bảo rằng, còn giữ lại cái tên xí nghiệp cho một đơn vị vận tải chủ lực của Transerco (Tổng Cty vận tải Hà Nội) là sự nhắc nhớ một nhiệm vụ mãi mãi không thay đổi từ lịch sử đến muôn đời sau - vận tải phục vụ hành khách. Không một cán bộ, nhân viên nào của Xí nghiệp xe điện Hà Nội được quên điều đó. Trong phòng làm việc của ông giờ vẫn lưu giữ được chiếc chuông đồng “leng keng” duy nhất của xe điện xưa từ thời Pháp để lại. Có người trả ông hàng trăm triệu đồng, ông không bán mà giữ lại kỷ vật quý ấy cũng để thấy trọng trách của một Giám đốc, trọng trách của Xí nghiệp có hơn 300 xe buýt bây giờ - sau 10 năm buýt vận hành ở Thủ đô.

Hối hả xe buýt hôm nay

Đơn giản phép tính, mỗi buýt có 80 chỗ ngồi, chuyến nào cũng chật cứng, mỗi năm vận chuyển đến 450 triệu hành khách, gấp 60 lần dân số Hà Nội. Mỗi xe chạy 10 lượt/ngày trên tuyến trung bình 25km, thế là cả ngày chạy cả 250km. Những tay lái an toàn và “phu vé” đẹp người tốt nết không để xảy ra chuyện gì, tai thương nào hằng ngày, hằng tháng, thậm chí hằng năm. Một kỳ tích giữa biển người như nêm cối Hà Nội bây giờ.

Tiếng leng keng ngày ấy - bây giờ ảnh 2 Xe buýt ngày nay hối hả gánh vác trọng trách lớn cho giao thông Hà Nội
“Tay lái an toàn” Đàm Văn Khả nhà ở bãi Phúc Xá. 3h30 sáng anh thức dậy, đều đặn giữa mưa gió hay đêm đông buốt lạnh, rong xe máy đến bãi đỗ Nam Thăng Long (gần cầu Thăng Long) nhận xe buýt. Kiểm tra xe, phanh, dầu, lốp xe, vệ sinh sàn, rồi anh chạy “huy động” (di chuyển không chở khách) chiếc buýt sang tận Gia Lâm đến nơi tập kết “mở bến”. Đúng 5h, đón hành khách đầu tiên cho tuyến Gia Lâm – Mỹ Đình.

Hơn 10 năm làm nghề, anh Khả chưa để xảy ra một chuyện đáng tiếc nào. Kỷ luật an toàn lao động và giao thông như mắc cửi Hà Nội đã là áp lực cơm bữa với hàng ngàn tay lái của Transerco. Họ rất lo tắc đường, chịu cả nỗi bức xúc thay cho khách, sợ khách chậm giờ bị trừ điểm lương, cả ngày chịu đựng với những tuyến đường dài trong khoang chật cứng khách. Bán vé Đặng Quang An chạy tuyến Long Biên - Bắc Ninh nói đã quen đứng cả ngày trên xe, mỗi ngày đứng khoảng 300km, gấp vài chục lần khách phải đứng, ấy mà vẫn phải nịnh từng thanh niên trẻ hay bỗ bã ý thức, lại gắng tìm cái ghế cho bà già, người tàn tật, phụ nữ có thai, dọn bãi nôn nồng nặc của cô sinh viên yếu sức, lại kịp sắp chỗ cho khách kẻo sót vé… Thôi thì làm dâu cho cả ngàn họ đất Hà thành. Hóa ra đi xe điện xưa cũng chật, nghèo nhưng thanh bình ấm áp, giờ chạy buýt thật ồn ã, vất vả, hối hả để vẫn an toàn tốt đẹp mà đâu đó lại dính ngõ thị phi. Ối người cứ ngó lên xe buýt là lắc đầu lè lưỡi. Trăm ngàn lượt khách mỗi ngày, trăm ngàn ý kiến khác nhau. Kể cũng tội cho cái nhà xe.

Transerco cho biết hiện toàn thành phố Hà Nội có 65 tuyến xe buýt và khoảng 1.200 xe đang hoạt động, một năm chở trên 500 triệu lượt hành khách. Trong đó Transerco là chủ đạo chiếm 80% thị phần luồn tuyến và 90% sản lượng hành khách. Dự kiến đến 2015 thành phố sẽ tăng lên 77 tuyến với số xe khoảng 1.500 chiếc, phục vụ 770 triệu lượt khách/năm, và sẽ có 10 tuyến đường dành riêng cho xe buýt.

Những tuyến xe điện xưa còn đếm trên ngón tay, giờ những tuyến buýt đã vươn khắp ngõ phố đường quê Hà Nội, lên Sóc Sơn, đi Ba Vì, về Bát Tràng, xuôi Phủ Lý… tất thảy hơn 320km. Chưa dựng buýt 2 tầng như ở Singapore, chứ Hà Nội toàn xe “ngon” cả. Mẹc, Huyndai, Daewoo, cứ 10 năm lại thay mới. Xe chạy hơn chục ngày đã bảo dưỡng cấp 1, chạy 12 ngàn km bảo dưỡng toàn diện cấp 2, chạy 200 ngàn km vào nhà máy trung đại tu sửa chữa lớn tổng thể. Người Pháp đưa xe điện về Hà Nội từ năm 1900, phương tiện hiện đại thay đổi cách đi lại của người Hà thành, lẩn vào tâm hồn, văn thơ và lối sống của họ, để rồi cọc cạch thiết bị, xe hỏng hóc triền miên, tai nạn thường trực, người chạy xe đạp ngã kềnh trên phố vì gờ ray vênh cao, rồi ùn tắc khắp ngã phố. Và có người tâm huyết đặc biệt nổi tiếng với xe điện như ông Trần Huy Bảo, người dám đưa xe điện bánh hơi vào thử nghiệm (sau này ông cũng là người đưa xe điện chạy ở những khu resort du lịch ở nhiều vùng), đưa cán bộ sang Rumani học kinh nghiệm… Nhưng, xe điện vẫn phải dừng lại một ngày cuối mùa đông cũ của đầu năm 90 thế kỷ trước. Lời cáo phó cho nó hãy còn là một câu chuyện dài. Những toa xe biến mất. Những đường ray đào lên làm sắt phế liệu, làm cột nhà ai trong phố…

Tiếng leng keng ngày nào là kỷ niệm, nhưng giờ tiếng còi buýt và cái màu vàng thân xe đang đứng trước một thách thức mới. Kỷ luật cao để an toàn, để phục vụ, để gánh nghề, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường tâm sự với Tiền Phong. Năm tháng đầu năm 2014, vận tải bằng buýt của Transerco đã đạt gần 200 triệu hành khách. 

Ông Thường cũng băn khoăn, trầm ngâm ngẫm đến một chặng đường từ toa xe điện xa xưa, nay xe buýt, sắp tới là một tuyến buýt nhanh (BRT), rồi nữa đây là đường sắt trên cao, và cả tàu điện ngầm. Dăm năm nữa, chuyện đường sắt trên cao vẫn chỉ là giai đoạn khởi đầu, 13km từ phố Cát Linh ra ngoại đô đã ngốn 550 triệu USD, mà một tuyến đâu đã phải là mạng để phát huy hết hiệu quả. Xe buýt giờ mới đáp ứng 11% nhu cầu đi lại của người dân trong thành phố, chặng đường để đạt được 25% như mong đợi hẳn còn nhiều gian nan.

Những ngày hoa phượng rực phố phường Hà Nội lại nao nao nỗi nhớ tàu điện năm xưa, lại lo mỗi lần thành phố như lên cơn vì chật chội quá đỗi. Nhưng cũng là đêm trước của một mùa hè cũ leng keng năm nao. Một Hà Nội đã có tầm vóc mới qua cái nhìn từ dòng chảy người và xe trên mọi nẻo đường phố. Tàu điện leng keng bỏ đi là phải rồi, nhưng tiếng chuông đặc biệt ấy đã là một góc tâm hồn người Hà Nội. Nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, đó là phương tiện giao thông hết sức thân quen một thời của người Hà thành, là kỷ niệm sâu sắc và nên thơ nữa… Và hiện tại thì Thủ đô văn minh hiện đại là không thể thiếu hệ thống xe buýt công cộng, nó gánh lên vai trách nhiệm phục vụ nhân dân, góp phần giảm ùn tắc tai nạn giao thông và đồng thời cũng phản chiếu mức độ văn minh của đô thị…

MỚI - NÓNG