Tiếp cận vốn mua máy bay dễ, nhưng lo bị xiết nợ

Tiếp cận vốn mua máy bay dễ, nhưng lo bị xiết nợ
TP - Ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

> Cho ý kiến về đề án tái cơ cấu kinh tế
> Bộ GTVT muốn mọi người dân được đi máy bay

Có ý kiến cho rằng, việc gia nhập giúp Việt Nam dễ tiếp cận vốn mua máy bay, nhưng nếu không cẩn thận, dễ bị xiết nợ, ảnh hưởng vốn đối ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến sáng 15/10. ẢNH: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến sáng 15/10. ẢNH: TTXVN.

Ủy ban Đối ngoại của QH (cơ quan thẩm tra) cho rằng, việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam, như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng cường khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc thực thi Công ước.

Một số ý kiến trong UBTVQH lưu ý cần phải cân nhắc, đánh giá tình hình thực tế, lường hết mọi khả năng cả về thuận lợi, khó khăn khi gia nhập Công ước và Nghị định thư, bởi nhiều vấn đề liên quan nội dung Công ước chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam.

Việt Nam sẽ được tạo điều kiện vay nợ với nhiều ưu đãi, nhưng điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ và “chủ nợ luôn nắm đằng chuôi". Có ý kiến cho rằng, đây là văn bản pháp lý rất phức tạp, cần nghiên cứu kỹ điều kiện của nước ta, cân nhắc khả năng gia nhập vào thời điểm hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, khi tham gia Công ước và Nghị định thư, bên cạnh sự ràng buộc về mặt pháp lý, ta còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn sẽ bị buộc giao máy bay cho chủ nợ, ảnh hưởng phần vốn đối ứng.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị rà soát, giải trình rõ hơn những nội dung nêu trên, trước khi trình QH cho ý kiến.

Việt Nam sẽ ký Công ước Chống tra tấn

Hôm qua, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc ký Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Qua thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký Công ước Chống tra tấn vào thời điểm hiện nay, đồng thời nhấn mạnh, việc tham gia Công ước là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta, nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.

Việc tham gia Công ước cũng là căn cứ quan trọng để phản bác những luận điệu vu khống, xuyên tạc, lợi dụng vấn đề quyền con người của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.