Tiếp tục cưỡng chế giải tỏa khu vực cầu Thủ Thiêm

Tiếp tục cưỡng chế giải tỏa khu vực cầu Thủ Thiêm
TP - Báo Tiền Phong ngày 21/2 đăng bài “Tiền tỷ có nguy cơ bị cuốn trôi” phản ánh việc UBND TPHCM vận dụng chính sách đền bù giải tỏa và tái định cư không thỏa đáng.
Tiếp tục cưỡng chế giải tỏa khu vực cầu Thủ Thiêm ảnh 1
Người dân bức xúc khi trình bày ý kiến với lãnh đạo UBND TPHCM

Điều này khiến 42 hộ dân thuộc diện di dời bức xúc khiếu nại và ngăn cản thi công công trình dẫn đến tình trạng cầu Thủ Thiêm bị chậm tiến độ, lãng phí vốn ngân sách hơn 6 tỷ đồng .

Bất chấp ý kiến phản đối của lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường, trong cuộc họp vào sáng 26/2, UBND TPHCM vẫn bảo lưu quan điểm và tiếp tục đưa “tối hậu thư”, yêu cầu 14 hộ dân sát bờ sông phải chấp hành di dời trong thời hạn  7 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Đề cập đến nguồn gốc đất của 42 hộ, trước đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường đã khẳng định tại nhiều cuộc họp và tại nhiều văn bản gửi UBND TPHCM: Đất do các hộ thực tế đã sử dụng ổn định từ trước thời điểm 1993 và UBND TPHCM không chứng minh được các hộ dân nói trên lấn chiếm đất công (không có biên bản xử lý vi phạm hành chính) nên theo quy định của Luật đất đai 2003, đất mà 42 hộ đang sử dụng là đất có nguồn gốc hợp pháp, phải được đền bù 100% giá trị.

Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng 26/2, ông Nguyễn Văn Đua, Phó chủ tịch UBND TPHCM vẫn một mực cho rằng: Có cơ sở khẳng định khu vực đất trên do cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị quân đội đã đăng ký, kê khai sử dụng đất theo Chỉ thị số 299/TTg và tiếp tục quản lý cho đến thời điểm thực hiện dự án, đồng nghĩa với việc đã xác định được chủ sử dụng đất của toàn bộ khu vực trên và mục đích sử dụng đất là phục vụ cho an ninh, quốc phòng và sản xuất.

Những đơn vị được “gán” là chủ sử dụng khu đất trên bao gồm: Xí nghiệp Ba Son (thửa 251 và 305), Ty Quản lý đường sông 2 (thửa 290 và 303), Cty Bảo đảm hàng hải 2 (thửa 302 và 304), Xí nghiệp Khảo sát 625 (thửa 291). Do đó, nguồn gốc đất mà 42 hộ dân đang sử dụng thuộc diện bao chiếm đất công, sang nhượng trái phép nên không được đền bù.

Ông Đua cũng biện minh: Trong giai đoạn các hộ dân sang chiếm đất công, UBND phường 22, Bình Thạnh không thể can thiệp xử lý do đất thuộc cơ quan Trung ương quản lý và bởi nhà dân phân bố rải rác trong khuôn viên liên cơ quan.

Nhiều cán bộ hưu trí đang ngụ gần đó (không thuộc diện giải tỏa) đã vô cùng bức xúc trước lập luận này của lãnh đạo UBND TPHCM – trong đó có không ít người trước đây đã từng ở cương vị lãnh đạo của các đơn vị được gán cho là chủ sử dụng đất.

Tiếp xúc với PV Tiền Phong chiều cùng ngày, các ông: Vũ Ngọc Thanh (77 tuổi) nguyên Phó giám đốc Cty Công trình 2; Đặng Văn Xíu (68 tuổi) nguyên Trưởng ban quân quản Sở Hằng Hà; Phan Vĩnh Thành, nguyên Phó giám đốc Cty Xáng – Trục vớt; Nguyễn Viết Cường, Trung tá Hải quân, tiếp quản xưởng Ba Son sau ngày 30/4/1975 (hiện là Bí thư chi bộ Khu phố 2)… đều khẳng định: Ngay sau giải phóng, khu vực bờ sông Sài Gòn từ quân cảng đến xí nghiệp Ba Son do 2 đơn vị tiếp quản và xây rào, phân mốc rạch ròi là Sở Hằng Hà và Xưởng Ba Son.

Khu đất 42 hộ dân sử dụng là đất hoang mọc đầy cỏ lác, cây ô-rô, dừa nước nằm xen giữa hai khu đất được tiếp quản nên không có chuyện 42 hộ lấn chiếm đất công. Sau này, khu đất được bồi lấp thành bán đảo chứ trước kia vốn là vùng bán ngập, thủy triều lên, nước ngập đến ngang gối. Họ đã có giấy xác nhận gửi quận và thành phố nhưng không được quan tâm xem xét.

Kết luận cuộc họp, theo ý kiến của lãnh đạo UBND TPHCM, nếu không tự nguyện di dời, UBND TPHCM sẽ thực hiện cưỡng chế đối với 14 hộ dân khu vực giáp bờ sông vào ngày 5/3 tới nhằm “đảm bảo tính mạng và tài sản của các hộ dân”. Và, chính sách đền bù đối với 14 hộ trên vẫn không đổi, chỉ hỗ trợ di dời 10 triệu đồng/hộ.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.