Hôm nay, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO

Tiết lộ về những "cuộc đấu" trên bàn đàm phán

Tiết lộ về những "cuộc đấu" trên bàn đàm phán
TP -  Bộ Thương mại công bố bài phát biểu đặc biệt quan trọng của Thứ trưởng Lương Văn Tự “hé lộ” với công chúng những nỗ lực của Đoàn đàm phán Chính phủ trong hơn 200 cuộc đàm phán cả song phương và đa phương để VN gia nhập tổ chức này.
Tiết lộ về những "cuộc đấu" trên bàn đàm phán ảnh 1

Ông Lương Văn Tự - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế về vấn đề gia nhập WTO.

Đàm phán dài chỉ với mục đích sớm gia nhập WTO

... Để gia nhập WTO, VN đã trải qua 14 phiên đàm phán đa phương và hơn 200 cuộc đàm phán song phương với 28 đối tác; nước nhanh nhất (3 phiên), nước chậm nhất (13 phiên).

Đây là số lượng  nhiều nhất trong đàm phán thương mại giữa VN với các tổ chức quốc tế (với ASEAN mất hai năm, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ mất bốn năm). Sở dĩ chúng ta đàm phán dài như thế chỉ với mục đích sớm gia nhập WTO.

Trong đàm phán gia nhập WTO, một trong những nguyên tắc khó khăn nhất chúng ta phải vượt qua là để các nước hiểu thực tế VN và công nhận VN là nước đang phát triển ở trình độ thấp và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi.

Ở đây có một nghịch lý thu nhập bình quân đầu người của VN chưa đầy 1.000 USD/năm, trong lúc WTO quy định những nước kém phát triển là nước có thu nhập dưới 1.000 USD. Nhưng VN lại không được xếp vào nước kém phát triển, vì Liên Hợp Quốc công nhận VN là nước đang phát triển do có cộng thêm các tiêu chí về y tế, văn hóa, giáo dục, nên mới xếp VN là nước đang phát triển.

Về kinh tế, thu nhập chúng ta thấp, cho nên, chúng ta phải thương lượng để được công nhận ở trình độ thấp.

Việt Nam là nước rất đặc biệt

Một vấn đề quan trọng của vòng đàm phán Doha đó là trợ cấp hàng nông sản. VN là nước rất đặc biệt, đất chật, người đông. Khi đàm phán với Australia thì thấy một hộ của họ có đến 200 ha. Còn bình quân đất canh tác VN chỉ có 0,3 ha/hộ.

Nhưng, VN lại có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được xếp hạng trên thế giới. Đây là một sự thật: Gạo (có lúc xếp thứ 2, có lúc thứ 3 thế giới); cà phê (đứng thứ 2 thế giới), hạt tiêu (số 1 thế giới), hạt điều (số 2 thế giới), chè có sản lượng đứng thứ 8 thế giới, hải sản, thủy sản cũng được xếp thứ 8, 9 thế giới.

Đây là trường hợp  rất đặc biệt của thế giới. Cho nên, trong đàm phán song phương, nhiều nước Mỹ la-tinh yêu cầu đàm phán là vì thế. Họ cho rằng, VN có mặt hàng nông sản tràn ngập thị trường thế giới, làm cho các nước Mỹ la-tinh gặp khó khăn, nhất là cà phê. Trước đây, giá cà phê rất cao, bây giờ chỉ còn hơn 1.000 USD/tấn.

Đàm phán suốt đêm

... VN có lợi thế là có nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu. Đã xuất khẩu được thì cạnh tranh được với thế giới. Thịt bò, thịt lợn là các mặt hàng từ chăn nuôi đơn lẻ, chưa có theo hình thức trang trại. Cho nên, trong đàm phán rất khó khăn.

Các nước xuất khẩu thịt bò lớn như: Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand đều yêu cầu giảm thuế xuống 0-5%. Chúng ta trả lời: Bò VN phần lớn là bò cóc, mỗi hộ nuôi 5-10 con, năng suất thấp, sức cạnh tranh không cao.

Giống bò của Việt Nam phần lớn phải nhập khẩu, phần trợ cấp của Nhà nước trong lĩnh vực này hầu như không có. Các nước cũng thấy được khó khăn của Việt Nam và cũng đi đến mức giảm đến 4-5% so với mức thuế hiện hành.

Mức 0-5% thì chúng tôi cũng nói thẳng đàn bò cóc VN chết, không tồn tại. Và chúng tôi gia nhập WTO với mong muốn để ổn định, phát triển, mở cửa, nhưng mức độ phải phù hợp với Việt Nam chứ không phải mở theo bất cứ điều kiện nào.

Cuối cùng, các nước cũng phải chấp nhận, ngay cả đàm phán với Hoa Kỳ vấn đề cuối cùng là đàm phán về thịt bò và thịt lợn, thuế nông nghiệp. Chúng tôi phải chấp nhận điều kiện với Hoa Kỳ cao hơn so với Austialia và New ZeaLand.

Đàm phán song phương là những cuộc đàm phán căng thẳng. Tất cả các đối tác yêu cầu đàm phán đông vì các lý do: Họ cho rằng VN là một thị trường tương lai hứa hẹn...

Khi chúng ta đàm phán với Trung Quốc, chúng ta tưởng giữa Việt Nam - Trung Quốc đã có Hiệp định tự do thương mại trong ASEAN, nên không cần đàm phán nữa, nhưng với Trung Quốc vẫn phải đàm phán 10 phiên, rất nhiều phiên căng thẳng, đàm phán suốt đêm, nhiều vấn đề căng như:

Du lịch mở chi nhánh, ngân hàng, mở vận tải đường bộ. Đặc biệt, đàm phán sau này với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và EU là các đối tác lớn nhất trong WTO cả về hàng hóa và dịch vụ. Nên yêu cầu đàm phán rộng hơn, sâu hơn và đa dạng hơn. Đàm phán như vậy rất phức tạp.

Các nhà đàm phán luôn “no bụng, đói con mắt”

Kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ có người chưa hài lòng, có người bảo được nhiều, có người nói được ít. Chúng tôi thống nhất đây là đàm phán mà hai bên đều giành thắng lợi.

Trên thực chất, các nhà đàm phán luôn như thể no bụng đói con mắt, thường đòi những điều kiện cam kết rất cao, nhưng nhà doanh nghiệp không cần cái đó.

Nhà doanh nghiệp miễn có lợi là làm. Cam kết có cao mấy mà không có lợi thì vẫn không vào. Đó là sự khác nhau giữa nhà đàm phán và doanh nghiệp.

Sợ nhất là không giữ được người tài

Cái quyết định nhất là con người. Khi chúng ta mở cửa vấn đề cạnh tranh giành nguồn lực này rất khốc liệt. Chúng tôi (Đoàn đàm phán Chính phủ-P.V)  hỏi Singapore: Khi mở cửa sợ nhất cái gì, phía bạn trả lời quan trọng là làm sao giữ được người tài để phục vụ đất nước.

Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào, các cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra, các doanh nghiệp sẽ dùng lương cao để thu hút người lao động giỏi. Cho nên chúng ta, một mặt, cũng phải có chiến lược đào tạo, giữ những người có năng lực làm cho mình, giữ như thế nào tùy vào từng doanh nghiệp, không có bài toán chung cho tất cả...

Cuộc sống không có thử thách thì không phải cuộc sống. Chúng tôi cho rằng gia nhập WTO chúng ta có rất nhiều thời cơ, cũng có rất nhiều thách thức.

Cơ hội có hay không phải do chính sách, do các doanh nghiệp. Nói mở thị trường nhưng toàn bộ doanh nghiệp không sản xuất hàng xuất khẩu thì cũng vô nghĩa.

Bây giờ nói mở ra để thu hút đầu tư nhưng toàn bộ doanh nghiệp, các địa phương, không thu hút đầu tư thì chúng ta cũng không đạt.

Gia nhập WTO để chúng ta phát triển, nhưng không có nghĩa bản thân việc gia nhập WTO là chúng ta giàu có lên, hay chúng ta nghèo đi, mà đó là một cơ hội. Chúng ta tranh thủ được cơ hội đó, thì chúng ta giàu có. Vượt qua được thách thức thì chúng ta tạo được cơ hội mới.

_____

* Các tựa trong bài do Tiền phong đặt.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự:                     

Muốn dân giàu nước mạnh phải xuất khẩu 100 tỷ USD/năm trở lên

... Việt Nam cần thị trường toàn cầu để phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư. Hiện nay, xuất khẩu của chúng ta tăng tương đối nhanh, có năm tăng trưởng 23%, có năm 19%, năm 2005 kim ngạch của chúng ta đạt 32,5 tỷ USD. So với các nước trong khu vực thì như vậy là rất nhỏ.

Thí dụ: So với Thái Lan, 63 triệu dân, kim ngạch đạt hơn 100 tỷ USD. Chúng ta chỉ bằng 1/3 trong khi dân số là 83 triệu người; nếu so với Philippines, chúng ta bằng 2/3.

Muốn thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì kim ngạch xuất khẩu của chúng ta phải đạt 100 tỷ USD năm trở lên, nhập khẩu phải ở mức tương đương.

Hàng hóa và dịch vụ Việt Nam còn bị phân biệt đối xử, khi gia nhập WTO những phân biệt đối xử đó mới được dỡ bỏ.

Khi gia nhập WTO, toàn bộ hàng dệt may không bị hạn ngạch nữa. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp VN. Chúng ta cũng phải bỏ một số quy định cấm:

Nhập khẩu thuốc lá điếu, ô-tô đã qua sử dụng, linh kiện liên quan máy tính. Trên thực tế, cấm nhập ô-tô đã qua sử dụng đã bỏ rồi, vấn đề hiện nay là thuế, làm thế nào bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Tài chính đang tiếp tục làm để xử lý vấn đề thuế, vì đây cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Chúng ta một mặt cần bảo vệ lợi ích của người sản xuất, đồng thời cũng cần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Phải cân đối hai lợi ích này, chứ không thể chỉ chú ý đến lợi ích của người sản xuất, mà không chú ý đến lợi ích của người tiêu dùng. 

MỚI - NÓNG