Tiêu chí nào để lựa chọn “Thương hiệu quốc gia”?

Tiêu chí nào để lựa chọn “Thương hiệu quốc gia”?
Những tiêu chí này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sản phẩm được đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hoá là vô cùng ít ý nghĩa...

Đó là lý do vì sao bài viết “Có nên duy trì chương trình Thương hiệu quốc gia?” được báo Tiền phong đăng ngày 21/4  nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của DN  và bạn đọc. Chúng tôi xin tiếp tục cung cấp tới độc giả những thông tin chi tiết liên quan đến chủ đề này:

Triển khai chương trình THQG, Cục xúc tiến TM dự thảo các tiêu chí chung cho các sản phẩm, hàng hoá được mang biểu trưng THQG gồm:
Sản phẩm, hàng hoá đã được đăng ký bảo hộ, được Cục SHTT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ; Những sản phẩm, hàng hoá dịch vụ có hàm lượng vật chất và trí tuệ Việt Nam từ 40% trở lên (DN khai báo, Hội đồng thẩm định); DN có tên TM đã đăng ký ít nhất là 5 năm và hoạt động kinh doanh có hiệu quả; Sản phẩm hàng hoá đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và được người tiêu dùng ưa chuộng; Sản lượng hàng hoá sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong hoặc ngoài nước hằng năm tăng 3%- 5%…

Nước mắm Phú Quốc được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ năm 2001, nhưng thương hiệu này bị ăn cắp, sản xuất hàng giả, hàng nhái tràn lan. Ngay cả ở Mỹ, nước mắm hiệu Phú Quốc cũng được sản xuất. Vậy tiêu chí xuất xứ trong trường hợp này làm sao đáng tin cậy để chọn sản phẩm gắn THQG?

Với tiêu chí thứ 2, bộ tiêu chuẩn nào sẽ được dùng để đo “trí tuệ Việt Nam từ 40% trở lên” trong từng sản phẩm? “DN sản xuất kinh doanh hiệu quả” là hiệu quả thế nào? Hiện nay, hầu hết các DN Nhà nước bảo tồn được vốn đã được coi là hiệu quả, trong khi xét về kinh tế thì như thế lại là tụt hậu. Hàng hoá của DN kinh doanh tụt lùi thì làm sao có sức cạnh tranh?…

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng-Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam  (VASEP) cho rằng, bộ tiêu chí chung mà Cục xúc tiến TM dự thảo bản chất chỉ là các tiêu chí thi đua, không phải tiêu chí TM.

Với tiêu chí kiểu này và Hội đồng lựa chọn là đại diện các cơ quan nhà nước thì vô tình Nhà nước đã can thiệp sâu vào việc bình chọn. Khi đó, THQG trở thành thứ để ban phát không công bằng. Theo ông Dũng, hiện tại, người ta đang nói đến thương hiệu mang tính bề nổi, còn chất lượng (quyết định thương hiệu thì lại được thẩm định bằng thước đo chung chung.  “Theo tôi, không nhất thiết liên ngành mới là quốc gia mà sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngành đã là quốc gia rồi. Như việc chế biến sản phẩm cá ba sa chỉ có các doanh nghiệp thành viên VASEP mới sản xuất nó, có còn ai khác nữa đâu mà tiêu chí của VASEP với cá tra không phải là quốc gia?

Nếu theo phong trào để gắn THQG lên sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm chỉ cần đạt 3 tiêu chí: 1-Chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 hoặc ISO 14000…; 2-Sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại một số thị trường; 3- Hệ thống bảo hộ phải theo quốc tế. Nhưng nếu sản phẩm đạt 3 tiêu chí đó thì THQG chẳng còn ý nghĩa gì nữa…” - Ông Dũng đánh giá.

VASEP, với gần 40 DN mạnh xuất khẩu thuỷ sản qua hàng chục nước “khó tính” nhất thế giới, có sản  phẩm được kiểm soát theo tiêu chuẩn Eurogap tiên tiến nhất hiện nay và BRC (tiêu chuẩn liên minh bán lẻ toàn nước Anh)…; xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới về giá trị và sản lượng mà không cần đến thương hiệu mang tính bề nổi nào. VASEP cũng đã từ chối tham gia chương trình THQG.

Hiện nay, thương hiệu, nhãn mác của nhiều sản phẩm, DN VN đã được gắn tên Việt Nam, không nhất thiết phải thêm THQG nữa. Đơn cử như gạo được sản xuất tại các Cty lương thực Việt Nam  mang thương hiệu “Vinafood” (Vina-nghĩa là Việt Nam -PV); “Vegetexco VietNam” (rau quả Việt Nam); “VINATEX” (viết tắt chữ Anh, nghĩa là: Tổng Cty  dệt may Việt Nam ); VINA CAFE (Cà phê Việt Nam); VINATEA (chè Việt Nam); VBMA (Hiệp hội xe đạp xe máy Việt Nam)…

Ông Nguyễn Văn Thắng-Phó TGĐ Vegetexco VietNam cho biết, ông chưa biết khái niệm THQG, do đó vẫn chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm đã có gắn chữ Việt Nam, chú ý đến chất lượng sản phẩm theo tiêu chí ngành, Nhà nước. Rất nhiều DN có thương hiệu gắn chữ Việt Nam trên sản phẩm cũng có mục tiêu giống Vegetexco.

Theo các chuyên gia, để hàng hoá, DN phải “cõng” lên mình những thủ tục rườm rà, sẽ chỉ là cản trở cho phát triển kinh tế đất nước. Xem ra, Chương trình THQG gần như không có lý do tồn tại.

MỚI - NÓNG