Tín dụng tăng bằng mọi giá?

Tín dụng tăng bằng mọi giá?
TP - Đặt đích cán tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 đạt 12%, khối nhà băng đang loay hoay tìm đủ cách để có thể giải ngân tiền từ nay đến hết năm. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận không dễ gì “hô” biến con số thành hiện kthực hi mà chỉ với 1 khách hàng tốt, có đến 10 ngân hàng cùng “săn”.

> Mua nợ xấu theo giá thị trường
> Cắt thi đua ngân hàng có nợ xấu trên 5%

Cho vay: xuất khẩu cải thiện, tiêu dùng khó

Tính đến thời điểm này, chỉ một số ngân hàng có khả năng đạt mục tiêu tăng tín dụng ví như tại Sacombank, NamABank tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt trên 12%...

Nếu tiếp tốc độ mở rộng tín dụng khả năng đạt được kế hoạch trong tầm tay các ngân hàng trên. Về lý do tăng trưởng, bởi nhờ tín dụng cho DN xuất nhập khẩu của ngân hàng đang cải thiện đáng kể. Tổng giám đốc Phan Huy Khang của NHTM Sacombank thừa nhận, lợi thế của ngân hàng từ phân khúc bán lẻ: cho vay tiểu thương chợ, cho vay tiêu dùng cá nhân.

Tại HDBank, sau 6 tháng tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 8,2% tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, khách hàng DNNVV… Cũng bởi vậy, một số ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng và đề xuất được điều chỉnh tăng thêm để có dư địa mở rộng hoạt động cho vay.

Như mới đây NamABank xin điều chỉnh “room” tín dụng lên tới 30%; trước đó là Sacombank được chấp thuận nới room tín dụng lên 20%. Đây cũng là hạn mức tín dụng mà lãnh đạo HDBank cũng đã đánh tiếng xin phép NHNN.

 “Tăng trưởng tín dụng là cần nhưng không cứ nhất thiết phải đổ dồn một khối lượng tiền lớn vào cuối năm vì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát đột biến. Điều này có thể phá hỏng những nỗ lực kiềm chế lạm phát mà ngành ngân hàng thực hiện trong suốt thời gian qua”.  

Một chuyên gia

Tuy nhiên trong khi người ăn không hết thì cũng không thiếu những ngân hàng đang chật vật. Giám đốc khối bán lẻ của một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội khẳng định thời gian qua tín dụng tiêu dùng của ngân hàng khá ì ạch. “Dù các ngân hàng đã tung khá nhiều chiêu hút khách từ gói tiêu dùng ưu đãi lãi suất đến giảm giá sử dụng các dịch vụ nhưng thực tế, các gói vay vẫn đóng băng”- Vị này lưu ý.

Trò chuyện với PV, Phó tổng giám đốc một NHTMCP khác phân tích: Muốn tăng tín dụng lúc này, chỉ trông vào các khoản vay tiêu dùng lớn như cho vay mua nhà mới “ra tấm ra món”. Còn các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ doanh số không đáng kể. Tuy nhiên, quan sát thị trường cho thấy “cầu” vay mua nhà thấp do người tiêu dùng đang chờ giá nhà xuống nữa. Nói chung hoạt động cho vay tiêu dùng hiện đang trong tình trạng “cầm hơi” cho qua ngày. Rất khó kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ mảng tiêu dùng, vị này bày tỏ.

10 ngân hàng cùng săn 1 khách

Số liệu mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng đạt mức 4,5% so với cuối năm. Như vậy muốn cán đích 12% năm nay, trên thực tế các ngân hàng phải tăng tốc giải ngân bằng mọi giá.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, đây là nhiệm vụ khó khăn. Bởi thực tế, dư nợ khách hàng chủ yếu là ngắn hạn 3 – 6 tháng, nếu theo vòng quay vốn đến thời điểm khoản vay đáo hạn mà ngân hàng không có thêm khoản vay mới thì sẽ lại về điểm cân bằng. Chưa kể, hiện các khách hàng tốt ngày càng giảm đi, trong khi ngân hàng “săn đón” ráo riết.

“Thời điểm này, việc 10 ngân hàng cùng lúc săn đón 1 DN là chuyện bình thường. Có thể khi mình hoàn tất hồ sơ cho vay DN đó nhưng việc có giải ngân được hay không vẫn phải “chờ” 9 ngân hàng kia có chèo kéo thành công khách hàng này hay không. Chưa bao giờ làm ngân hàng lại khó như bây giờ”- Vị này kết luận rồi kể thêm: “Như ngân hàng tôi từ đầu năm đến giờ cán bộ tín dụng làm việc hết công suất nhưng sau 6 tháng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2%. Do đó, ngân hàng không dám nghĩ tới việc sẽ tăng tín dụng được 10% từ nay đến cuối năm ”.

Cùng chung nhận định, Phó tổng giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho biết, tín dụng tiêu dùng của ngân hàng vẫn gặp khó. Dù hồ sơ xin vay nhiều nhưng thực tế hồ sơ được giải ngân lại khá thấp. Nguyên nhân do khách hàng chưa đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm như thu nhập, khả năng trả nợ. Nói chung là rất khó để tìm được khách hàng tốt, ông Quảng nói.

Mục tiêu 12% được nhận định là hợp lý nhưng đạt hay không phải tùy thuộc diễn biến nền kinh tế trong cả năm. Không nên cố gắng bằng mọi giá để đạt con số lý tưởng cho mình để rồi lại rơi vào vòng xoáy tín dụng – nợ xấu mà ngân hàng vẫn đang đau đầu xử lý. Các ngân hàng nên nhớ “dục tốc bất đạt””, một chuyên gia ngân hàng lưu ý.

Thống kê sơ bộ, 6 tháng tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng rơi vào mức thấp hoặc gần như không tăng. Điểm danh các “ông lớn” cùng chung cảnh ngộ có Eximbank chưa vượt qua mức 1%; VietinBank khả dĩ hơn ở mức 1,5%, thê thảm nhất là Vietcombank tín dụng âm 1,1%... Mức tăng trưởng 12% của cả năm gần như được nhận định sẽ ngoài tầm với nhất là đối với ngân hàng lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.