Tin vào bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Tin vào bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
TP- 2009 sẽ là năm khó khăn, thậm chí khó khăn hơn so với 2008. Nhưng tôi không quá bi quan, bởi tôi tin vào bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Tin vào bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ảnh 1

Ông Trương Đình Tuyển (Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại)

Thách thức đặt ra yêu cầu cải cách thể chế kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chẳng phải cũng từ khủng hoảng kinh tế xã hội vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 mà Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đó sao! Nếu nhìn nhận như vậy thì đây sẽ là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới.

Cái khác bây giờ là thế và lực chúng ta mạnh hơn, nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa một cách sâu sắc và do đó, cạnh tranh quyết liệt hơn, làm sản xuất mở rộng, các quan hệ thị trường trở nên phức tạp hơn, có sự tương tác giữa kinh tế xã hội và môi trường.

Vì vậy, ngoài việc tiếp nhận và phát huy các sáng kiến của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước cần chủ động đẩy mạnh tiến trình đổi mới. Có như vậy mới có cái nhìn hệ thống và cách làm đồng bộ, mới nâng cao hiệu quả của các chính sách kinh tế.

Liên quan đến yêu cầu này có hai vấn đề lớn đặt ra:

Thứ nhất, đẩy nhanh việc hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường gắn chặt với việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế - thước đo của cơ chế thị trường đi đôi với việc cải cách mạnh thủ tục hành chính để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đối với cộng đồng doanh nghiệp: trong bối cảnh thế giới phải đối đầu với nguy cơ suy thoái, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sụt giảm, thì cạnh tranh về giá sẽ rất quyết liệt. Các doanh nghiệp phải rà xét lại toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh; triệt để tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và các loại chi phí nhằm hạ giá thành và phí lưu thông.

Đây không chỉ là yêu cầu trước mắt mà qua đó thiết lập một “đường găng” mới hiệu quả hơn cho sản xuất và quản lý.

Phải phân lớp thị trường, xác định đúng đối tượng tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới, theo nguyên lý cạnh tranh - như M. Porter đã nói - là tạo ra sản phẩm phù hợp, phù hợp với đối tượng tiêu dùng mà doanh nghiệp lựa chọn và phù hợp với khả năng và lợi thế của doanh nghiệp. Và, trên cơ sở lựa chọn phù hợp mà tạo ra sự khác biệt.

Cần đặc biệt chú trọng khai thác thị trường trong nước. Thị trường nội địa nước ta với trên 86 triệu dân là một thị trường lớn. Lâu nay, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp lớn ít quan tâm khai thác. Cần nhớ rằng muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, trước hết phải cạnh tranh được trên thị trường trong nước, nơi doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với thị trường ngoài nước, do hiểu văn hoá tiêu dùng của dân ta, có nhiều lựa chọn về mô hình và phương thức tổ chức thị trường hơn so với doanh nghiệp nước ngoài, thị trường nước ngoài.

Và, đương nhiên phải tận dụng cả những cơ hội mới mở ra trong đó có hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt nam - Nhật Bản (EPA) để đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm. “Cái khó ló cái khôn” câu nói dân gian này đã trở thành phương châm hành động của người Việt nghìn đời nay, nó cũng thể hiện bản lĩnh Việt.

Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên)

Cần xây dựng thế trận tiêu dùng

Tại sao chúng ta chỉ dừng lại ở mong muốn vượt qua thử thách mà không phải là khát vọng chinh phục những thách thức? Khủng hoảng là cơ hội tốt để nhìn nhận khách quan, sâu sắc, toàn diện và căn cơ hơn cho một mô hình phát triển bền vững, tránh ảo tưởng hóa rồng tới nơi, cùng với đó là những làn sóng đầu cơ hớt váng làm giàu chóng vánh.

Một tâm thế tích cực, một khát vọng lớn, một chiến lược bám chắc vào tính bền vững, phát huy được lợi thế của Việt Nam, cung cấp đúng thứ thế giới cần, là những tố chất của bản lĩnh Việt Nam cần khẳng định, trước hết là trong đội ngũ lãnh đạo, trong giới trí thức và trong đội ngũ doanh nhân xung kích.

Nhưng mọi khát vọng lớn đều phải dựa trên nền tảng toàn dân là sức mạnh truyền thống tạo nên bản lĩnh Việt Nam từ trước đến nay. Trước tiên và thiết thực nhất là ủng hộ tiêu dùng những hàng hóa dịch vụ Việt Nam có chất lượng. Một thế trận tiêu dùng toàn dân như trên không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay mà sẽ là nền tảng cần phải có để tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam chinh phục thế giới.

Trung Nguyên chúng tôi từ hơn 6 năm trước đã ý thức thực hiện điều này, đã cùng với nhiều giới, nhiều ngành xây dựng ý thức thương hiệu Việt, tạo được ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt cho công ty và đến cả hành vi tiêu dùng của cá nhân và gia đình nữa. Và việc phục vụ tốt hơn, thấu hiểu hơn người tiêu dùng trong nước, cũng như cùng vận động ủng hộ hàng Việt vẫn là những cam kết thường trực, những việc làm thường ngày của Trung Nguyên.

MỚI - NÓNG