TKV lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng? - Những con số bất thường

TKV lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng? - Những con số bất thường
TP - Nhìn vào những con số của TKV báo cáo (hệ số bóc đất đá, tỷ lệ than nguyên khai...) có quá nhiều bất cập, thậm chí mâu thuẫn.

>> Bài 1: Chạy theo sản lượng = phá sản

Vì sao than chất lượng cao giảm?

Hệ số mét lò chuẩn bị sản xuất (CBSX) hiện nay của TKV là 14,5m/1.000 tấn. Về nguyên tắc, hệ số mét lò chuẩn bị sản xuất này càng giảm càng tốt. Đào nhiều lò mà không quản lý chặt về kỹ thuật chỉ dẫn tới tổn thất cả về kinh tế cả về trữ lượng than.

Hiện nay, việc quản lý đào lò đối với các mỏ hầm lò còn sơ hở. Trong năm 2009, với tổng số mét lò đào trong than (cả CBSX và xây dựng cơ bản) là 230.337m, có thể thu hồi được ít nhất 2,91 triệu tấn than, nhưng theo số liệu của TKV, chỉ thu hồi được 2,52 triệu tấn, như vậy nền kinh tế đã bị mất tới hơn 380 ngàn tấn than. Đây là con số không nhỏ. Nếu tính giá thành bình quân của than hầm lò là 600.000đồng/tấn, giá trị tổn thất đã lên tới hơn 220 tỷ đồng/năm.

Chất lượng than nguyên khai ngày càng giảm. Điều này đi ngược với quy luật càng “xuống sâu” tỷ lệ than nguyên khai càng tăng. Độ tro bình quân của than nguyên khai lên tới 36,18% là con số hoàn toàn không bình thường.

Thậm chí có những mỏ (như Mạo Khê, hay Cty than Uông Bí) độ tro than nguyên khai gần 42%- cao hơn cả độ tro tối đa của than “trong cân đối” (dưới 40%).

Điều này cho thấy: hoặc là công tác làm sạch mặt tầng, công nghệ xử lý (khoan nổ mìn và bốc xúc) các tam giác vách và trụ (ở các mỏ lộ thiên) và công nghệ đào lò chuẩn bị và khấu than (ở các mỏ hầm lò) không đúng kỹ thuật đã làm cho hệ số “làm bẩn” tăng lên, hoặc là có sự gian lận pha trộn cả than xấu và đất đá vào than nguyên khai để tăng sản lượng và để được tính vào giá thành làm tăng chi phí sản xuất.

Phẩm cấp than sạch ngày càng xấu: Tỷ lệ than có chất lượng cao (đặc biệt là than cục) ngày càng giảm và tỷ lệ than có chất lượng thấp (đặc biệt là than cám số 6, than bùn tuyển và than “tiêu chuẩn cơ sở”) ngày càng tăng.

Trong năm 2009, chỉ tính riêng các loại than có chất lượng thấp từ cám số 6 trở xuống đã lên tới gần 17,87 triệu tấn, chiếm 45% sản lượng than sạch của TKV (những loại than này trong thời bao cấp không được tính là than sạch và không được hạch toán đủ chi phí như than chính phẩm). Trong khi đó, tỷ lệ than cục (kể cả các loại cục 7b có độ tro tới 45%) cũng chỉ chiếm 5,7%.

Đây là một bất cập vì không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế của chính bản thân TKV (giảm giá bán bình quân), mà còn làm tăng chi phí sử dụng than của nền kinh tế quốc dân (tăng chi phí vận tải một lượng đất đá khổng lồ bị pha lẫn trong than).

Lập luận cho rằng tỷ lệ than cục thấp là do công nghệ (cơ giới hóa khấu than cao) là không có cơ sở vì tỷ lệ khấu than bằng cơ giới hóa thực tế chỉ chiếm 2,34% (không đáng kể) đối với các mỏ hầm lò, còn đối với các mỏ lộ thiên thì công nghệ vẫn như cách đây 30 năm. Phẩm cấp than sạch ngày càng xấu là do chạy theo thành tích sản lượng.

Trong khi đó, TKV hiện đang rất tích cực đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển than tập trung, mà đã từ lâu chúng tôi cho rằng vừa không cần thiết, vừa quá đắt, vừa không có hiệu quả.

Trong giá thành than khai thác bằng công nghệ lộ thiên, chi phí lớn nhất là vận chuyển đất đá (chiếm hơn 70%). Cung độ vận chuyển đất đá bình quân hiện nay (2009) chỉ có 2,67km, lý do mà TKV giải trình giá thành than tăng cao so với trước đây vì phải “đi xa” là không đứng vững. Hệ số bóc đất tăng lên tới 8,17m3/tấn là con số đáng kể ảnh hưởng tới giá thành than lộ thiên.

Tuy nhiên, hệ số bóc đất càng cao thì tình trạng kỹ thuật của mỏ lộ thiên phải càng tốt, và với điều kiện đất đá bốc phải trong biên giới kết thúc mỏ.

Điều không kém phần quan trọng là bãi thải đất đá hiện nay của các mỏ không cho phép quản lý được khối lượng đổ thải. Việc TKV áp dụng GPS để quản lý đất đá thải trong điều kiện của VN là không hiệu quả, vì sai số kỹ thuật (theo tọa độ Z) của GPS rất cao.

Chúng ta hiện đang bỏ qua các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ quan trọng khác như: năng suất thiết bị khoan, xúc, vận tải, tiêu hao diesel, tiêu hao săm lốp... đối với các mỏ lộ thiên; công suất lò chợ, tiến độ thực hiện chu kỳ, tiến độ đào lò, chiều dài lò chợ bình quân... đối với các mỏ hầm lò.

Các chỉ tiêu này cho phép quản lý được “đơn giá” (hay giá thành) của các công đoạn sản xuất than như: vận chuyển đất đá và vận chuyển than (tính bằng đ/t.km); khoan+nổ mìn+ bốc xúc (đ/m3) đối với mỏ lộ thiên; đào lò trong than và trong đá (đ/m3) đối với các mỏ hầm lò; và giá thành sàng tuyển than đối với các nhà máy tuyển.

Trong thiếu việc nhưng vẫn thuê ngoài

Cuối cùng, liên quan đến kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2010, chúng tôi thấy kế hoạch thuê ngoài là quá lớn và không cần thiết. Trong đó, khối lượng  phải thuê ngoài lên tới hơn 67 triệu m3 đất đá bóc (chiếm tới 30% trong tổng số 226 triệu m3 đất lộ thiên) và 11 triệu tấn than (chiếm tới 41% trong tổng số 26,7 triệu tấn than lộ thiên).

Đặc biệt đối với mỏ than Núi Béo, để đạt sản lượng 5 triệu tấn than/năm, khối lượng thuê ngoài lên tới 11 triệu m3 đất đá bóc (50% khối lượng) trong khi nguy cơ không có việc làm của hàng ngàn CBCNV đang cận kề.

Đặc biệt, xét về mặt kỹ thuật công nghệ, nếu sản lượng của mỏ này được duy trì ở mức 2-2,5 triệu tấn/năm, chúng ta hoàn toàn có thể sớm thực hiện việc đổ đất đá thải vào bãi thải trong.

Việc sớm đổ bãi thải trong không chỉ giảm chi phí khai thác hàng ngàn tỷ đồng, mà điều quan trọng hơn là hạn chế được nguy cơ bục nước từ bãi thải trong vào mỏ hầm lò Núi Béo trong tương lai mà chúng ta đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, việc sớm thực hiện đổ bãi thải trong sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường của vùng Hòn Gai, đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

MỚI - NÓNG