Cô Nguyễn Thị Nguyện (55 tuổi, giáo viên về hưu, ngụ tại Q.3):

Toát mồ hôi khi đi siêu thị

Toát mồ hôi khi đi siêu thị
Các siêu thị đã đồng loạt tăng giá hàng trăm mặt hàng, nhẹ thì 5-10%, có mặt hàng tăng tới 30%. Và được biết đợt tăng giá sẽ kéo dài vì các đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp vẫn còn rất dài!

Từ tuần này, đi mua sắm ở siêu thị, người tiêu dùng sẽ phải làm quen với các mức giá mới. Trong dịp tết các siêu thị đã cố gắng kiềm giá hàng hóa, nhưng nay những nơi này cũng bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá.

Đồng loạt tăng giá

Bà Nguyễn Thị Hạnh - phó tổng giám đốc phụ trách khối mua Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cho biết hệ thống Saigon Co.op vừa tăng giá hàng trăm mặt hàng bao gồm dụng cụ gia đình, inox, thủy tinh tăng 5-10%, thực phẩm tăng 5-20% (rơi vào các mặt hàng bột ngọt, dầu ăn, mì tôm…), thực phẩm tươi sống tăng bình quân hơn 10%, thực phẩm đông lạnh tăng 15%, các loại hàng khô tăng 10-12%, đặc biệt nhóm bánh kẹo công nghiệp tăng mạnh nhất từ 10-30%.

Các mặt hàng hóa mỹ phẩm như bột giặt, sữa tắm, dầu gội... cũng tăng từ 5-15%. Theo bà Hạnh, với một số mặt hàng mà Saigon Co.op còn dự trữ trong đợt tham gia bình ổn giá trước tết thì siêu thị vẫn đang duy trì giá cũ.

Đại diện của siêu thị Citimart cũng cho biết trong hai tuần qua gần 250 đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp bắt đầu có hiệu lực, trong đó có nhiều nhóm hàng tăng đến 20%. "Những thông báo tăng giá được gửi từ đầu đến giữa tháng hai nên siêu thị sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá của nhiều mặt hàng khác trong thời gian tới", đại diện này cho biết.

Tại hệ thống siêu thị Fivimart, phòng kinh doanh của hệ thống cho biết từ đầu tháng ba giá nhóm hàng thực phẩm liên tục tăng mạnh 10-30%, nhóm hàng gia dụng tăng ít hơn 5-10%.

Các mặt hàng bánh kẹo công nghệ, đồ hộp, thịt tươi sống tăng mạnh nhất, có loại lên đến 30%. Ước tính chỉ trong nhóm hàng thực phẩm đã có khoảng 200 mặt hàng tăng giá trong đợt này ở mức 5-30%.

Bà Nguyễn Ánh Hồng, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Maximark, cho biết ngay sau tết các nhà cung cấp đã tăng giá trung bình 5-15% cho tất cả nhóm sản phẩm với lý do chi phí nguyên vật liệu, bao bì, cước vận chuyển, bốc vác... tăng cao.

Riêng chuỗi hệ thống siêu thị Vinatexmart, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, giám đốc điều hành, cho biết nếu tính từ thời điểm tết đến nay, hơn 60% nhà cung cấp đã điều chỉnh giá bán với mức tăng trung bình từ 5% đến... 60%!

Thống kê sơ sơ của phòng kinh doanh, các mặt hàng tăng mạnh nhất là dệt may tăng 20%, thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt gà, trứng) lần lượt tăng 15-25%, dầu ăn 10-15%, mì - nui từ 15-25%, bột giặt, dầu gội đầu tăng 8-15%...

Nhưng tăng mạnh nhất là gạo khi gạo sạch đặc sản Bông lúa vàng của Công ty TNHH Ngọc Ngà loại NN01 từ 45.300 đồng/bao 5kg nhảy lên 74.200 đồng/bao; loại NN05 từ 65.400 đồng/bao 5kg vọt lên…102.500 đồng/bao.

Đà tăng vẫn chưa dừng

Ngày 17-3, sau khi thịt heo của Công ty Vissan tăng giá gần 20% thì đến lượt Công ty CP thông báo tăng giá 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại.

Theo đại diện của CP, các mặt hàng thịt chế biến, thủy hải sản, trứng các loại cũng tăng từ trước bình quân 10%.

Nguyên nhân được các nhà cung cấp ghi trong thông báo là do giá xăng dầu, nguyên liệu sản xuất… đồng loạt tăng. Tuy nhiên, mức tăng 10-30% ở nhiều nhóm hàng, theo nhiều nhà phân phối bán lẻ, là quá cao.

Thế nhưng đó chưa phải là điểm dừng. "Đầu tháng tư tới đây chúng tôi tiếp tục điều chỉnh thêm một lần nữa tất cả sản phẩm đang kinh doanh tại siêu thị, ước lên đến trên 10.000 mặt hàng, do trên 300 nhà cung cấp đều đã gửi thông báo điều chỉnh giá mới với mức tăng bình quân 5-40%", bà Hồng cho biết.

Theo bà Hồng, đợt điều chỉnh giá lần này là qui mô vì các nhà cung cấp đã gửi thông báo giá mới cho siêu thị sau khi giá xăng dầu tăng từ ngày 25-2.

Còn theo đại diện của siêu thị Fivimart, hiện siêu thị đang tiếp tục nhận đơn thông báo tăng giá, chắc chắn đầu tháng tư sẽ bắt đầu áp dụng biểu giá mới, chủ yếu vẫn là nhóm thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hương cũng xác nhận hiện có trên 50% nhà cung cấp hàng cho siêu thị đã gửi thông báo tiếp tục điều chỉnh tăng giá vào đầu tháng tới, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như dầu gội đầu, bột giặt, sữa, quần áo, thực phẩm. Trong đó các sản phẩm sữa của Nutifood sẽ tăng trung bình 10-30% kể từ 15-4.

Có tăng giá đón đầu?

Theo giám đốc một siêu thị, chỉ cần tăng giá vài phần trăm là bù được mức tăng nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng liên tục, do vậy các nhà sản xuất đã chọn giải pháp tăng đón đầu để khỏi phải điều chỉnh giá nhiều lần.

Đây cũng là lý do vì sao trong cùng một nhóm sản phẩm, mặt hàng, có doanh nghiệp điều chỉnh tăng cao nhưng cũng có doanh nghiệp điều chỉnh tăng thấp.

Theo một giám đốc siêu thị, trong nhóm sản phẩm bánh kẹo, sản phẩm của công ty K tăng trung bình 35% nhưng của công ty B chỉ tăng 10-15%". Hay như với nhóm sản phẩm quần áo, trong khi các sản phẩm của Công ty Việt Tiến, Nhà Bè không tăng thì sản phẩm của Công ty may Đông Xuân tăng 20%, Hanosimex tăng 13,5%, Dệt kim Hà Nội tăng 15%...

Thậm chí với nhóm sản phẩm hóa mỹ phẩm, trong khi các sản phẩm của P&G vẫn duy trì ở mức giá cũ trước tết, thì các sản phẩm cùng chủng loại của Unilever lại tăng 5-15%.

Còn trong thông báo của Vinamilk gửi các siêu thị có nêu nếu Nhà nước giữ giá xăng như hiện tại thì doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ giá, còn không chắc khó còn giá cũ. Doanh nghiệp này có đợt tăng giá gần nhất hồi cuối tháng 2-2008, mức tăng ít nhất 2-7% (tùy loại sản phẩm).

Cô Nguyễn Thị Nguyện (55 tuổi, giáo viên về hưu, ngụ tại Q.3):

Bữa cơm ngày càng đắt đỏ

Sau tết đến nay, mâm cơm của gia đình tôi trở nên đắt đỏ. Chỉ có ba món: canh, mặn và xào đã gần 60.000 đồng/bữa chỉ cho bốn miệng ăn. Tiền dạy thêm ở nhà để dành dụm nay phải dùng để bù thêm tiền ăn hằng tháng.

Làm nội trợ ai cũng muốn mua đồ ngon, hàng tươi về nấu cho gia đình một bữa tươm tất, nhưng hiện nay tôi chỉ dám đi chợ trưa, chợ chiều vì lúc đó cá mú, thịt cũng rẻ hơn chút ít.

Cá lóc buổi sáng 40.000 đồng/kg thì buổi trưa chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg, rau quả cũng giảm 500-1.000 đồng/bó.

Theo Trần Vũ Nghi-Như Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG