Tôi hạnh phúc khi nghe ai nói xài hàng Việt

Tôi hạnh phúc khi nghe ai nói xài hàng Việt
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt, gần một năm qua, nghệ sĩ Quyền Linh rong ruổi cùng doanh nghiệp đến các vùng nông thôn để gặp gỡ, trò chuyện với bà con về hàng Việt.
Tôi hạnh phúc khi nghe ai nói xài hàng Việt ảnh 1
Nghệ sĩ Quyền Linh - Ảnh: M.Đức (Tuổi Trẻ)

Nghệ sĩ Quyền Linh nói: Muốn xóa bỏ định kiến về hàng Việt, bản thân Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt hay một vài người nổi tiếng không thể làm được. Chúng tôi chỉ là nhóm người rất nhỏ, khó thể đi hết các vùng quê và thuyết phục mấy chục triệu người tiêu dùng hãy thiện cảm và tin dùng hàng Việt.

Hàng Việt đi vào đời sống mọi nhà chỉ khi mỗi người dân là một đại sứ hàng Việt. Đây là một hành trình dài, đáng ra phải thực hiện từ lâu và cần có sự cộng hưởng từ doanh nghiệp, người tiêu dùng, Nhà nước...

Anh nhận thấy thói quen tiêu dùng nào rõ ràng nhất của người dân hiện nay?

Không chỉ thói quen, mà trong nhận thức của rất nhiều người là dùng hàng ngoại cho chắc ăn do chưa tin tưởng hàng Việt Nam. Để mọi người trở về yêu hàng Việt là vấn đề rất lớn.

Có rất nhiều cuộc gặp gỡ làm tôi cảm thấy bất ngờ vì nhiều người nói rằng họ không nhận biết và không quen xài hàng nội. Nhiều công nhân nói họ chỉ sử dụng 1 - 2% hàng nội. Thật xót xa vì lương công nhân tuy ít ỏi nhưng họ vẫn cố gắng mua hàng ngoại để xài. Điều này có nghĩa họ toàn dùng hàng ngoại cấp thấp vì đơn giản họ không tin tưởng hàng Việt Nam.

Người tiêu dùng Việt đã bị lừa quá nhiều bởi những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, hàng Việt cần đi tìm lại chữ tín của mình.

Một quan niệm thứ hai tôi cũng thấy rõ ở người tiêu dùng Việt hiện nay là họ còn mặc định hàng mắc tiền là hàng tốt. Nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua một hộp sữa ngoại đắt tiền dù cuộc sống phải bù chỗ này, đắp chỗ kia. Yếu tố tâm lý khoe con tôi dùng sữa ngoại, mặc quần áo ngoại, dùng đồ ngoại như là một niềm tự hào vô tình trở thành gánh nặng cho chính họ.

Làm đại sứ hàng Việt, anh có bị áp lực phải sử dụng hàng nội?

Dù có làm đại sứ hay không thì trước giờ gia đình tôi vẫn xài hàng nội. Từ chăn, drap đến quần áo biểu diễn, đồ dùng của các bé trong nhà tôi đều là hàng nội.

Bà xã tôi cũng bị tác động nhiều lắm, mỗi khi chọn hàng hóa bà xã cũng cân nhắc, nếu có thể đều ưu tiên dùng hàng nội. Tất nhiên, trong nhà vẫn có 10 - 20% vật dụng là hàng ngoại vì hàng nội không thể đáp ứng hết nhu cầu.

Tạo thói quen sử dụng hàng nội ngay từ tuổi học trò

Tôi hạnh phúc khi nghe ai nói xài hàng Việt ảnh 2
Nghệ sĩ Kim Xuân - Ảnh: M.Đức (Tuổi Trẻ)

Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân: Sử dụng hàng Việt như thế nào cũng cần được định hướng rõ ràng. Có một thời gian tôi thấy các bạn trẻ rất thích ăn mặc theo mốt Hàn Quốc, từ kẹp trên đầu đến áo khoác ngoài, thậm chí đôi giày. Nhiều khi nhìn các bạn, tôi cứ nghĩ đây là các cô cậu ở Hàn Quốc qua Việt Nam chơi.

Tôi vẫn biết lớp trẻ luôn hiếu động, thích bắt chước và có nhiều sáng tạo, nhưng nếu văn hóa sử dụng hàng nội được xây dựng ngay từ trong gia đình thì có lẽ các em sẽ đón nhận hàng ngoại theo cách khác.

Có lẽ, không chỉ mơ ước của riêng tôi mà còn là mơ ước của nhiều người lớn khác: một thế hệ trẻ Việt Nam có nét riêng của mình. Ngay trong dụng cụ học đường của các bạn trẻ, tôi cũng mong sao được thấy bút bi Thiên Long sẽ thay thế các loại bút ngoại khác, quyển tập học trò Vĩnh Tiến sẽ là quyển tập mà tất cả học sinh luôn bỏ vào cặp khi đi học và thói quen sử dụng hàng nội khi đang cắp sách đến trường chính là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và phát huy.

Xây dựng lòng tự hào khi sử dụng hàng Việt

Tôi hạnh phúc khi nghe ai nói xài hàng Việt ảnh 3
Đôi nghệ sĩ cải lương Hà Như - Lê Tứ (từ phải sang) giới thiệu hàng Việt với bà con huyện Cầu Ngang, Trà Vinh tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tháng 12-2009 - Ảnh: Như Bình (Tuổi Trẻ)

Nghệ sĩ Lê Tứ: Từng đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới, tôi thấm hơn lòng tự hào dân tộc. Đi Hàn Quốc thấy người Hàn chỉ sử dụng hàng nội địa. Với họ, xài hàng ngoại chỉ khi không có sự lựa chọn nào khác, điều đó cho thấy thói quen sử dụng hàng nội đã đi vào đời sống của người dân rất tự giác, gắn với lòng tự hào dân tộc.

Tôi biết để người Việt tự hào với những sản phẩm Việt cần thời gian dài chứ không thể qua một cuộc vận động.

Doanh nghiệp hãy lắng nghe người tiêu dùng nhiều hơn. Đừng nghĩ chỉ cần sản xuất ra là phó mặc hàng hóa cho thị trường. Làm đại sứ hàng Việt, tôi đã nghe nhiều ý kiến của bà con tại sao hàng Việt giá còn cao, tại sao hàng Việt chưa đến vùng quê thường xuyên...

Hay có một chị nông dân ở Trà Vinh đề nghị hàng Việt phải gây dựng thương hiệu sao cho dễ hiểu, dễ nhớ vì nhiều người dân không thể nhận biết đâu là hàng Việt, đâu là hàng ngoại.

Theo Như Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG