Tổng Cty Du lịch Sài Gòn: Những kiểu “hợp tác” đáng ngờ

Tổng Cty Du lịch Sài Gòn: Những kiểu “hợp tác” đáng ngờ
Suốt quá trình triển khai các dự án xây dựng, đầu tư, với vai trò là “nhạc trưởng”, Saigontourist (SGT) đã ưu ái đối tác một cách đặc biệt. Nhưng phần lớn liên doanh ở nước ngoài đều thua lỗ…

Nhiều hợp đồng mà SGT thực hiện cho đối tác thuê mặt bằng, cơ sở kinh doanh đều có biểu hiện sự ưu ái quá mức. Trên thực tế, giá của SGT đưa ra cho những đối tác này thuê thấp hơn so với quy định hoặc thấp hơn giá thị trường.

Điều này đồng nghĩa với việc SGT làm nguồn ngân sách của Nhà nước mất thêm nguồn thu từ khoản tiền thuê này. Cụ thể, trong hợp đồng mà SGT ký cho Doanh nghiệp tư nhân Cánh Buồm thuê mặt bằng diện tích khuôn viên 6.342 m2 với giá cho thuê 2.500USD/tháng (bao gồm 10% thuế GTGT) thấp hơn so với tiền lãi mà hợp đồng trước đó đã được SGT thực hiện với 1 liên doanh khác.

Thậm chí, DNTN Cánh Buồm còn được SGT “đặc cách” thanh toán tiền thuê nhà chậm hơn so với thời gian trong hợp đồng đã quy định. Kể cả phần tiền phạt chậm thanh toán tiền thuê 1.179 USD cũng “được” SGT “quên”, không xử lý thu hồi.

Còn hợp đồng cho Cty Thương mại Ánh Dương thuê toàn bộ khách sạn Kim Thành khai thác trong vòng 7 năm với mức giá lũy tiến: 2 năm đầu là 54 triệu đồng/tháng và tăng dần cho đến 66 triệu đồng/tháng cho 3 năm cuối cùng.

Thế nhưng ,bắt đầu từ tháng 9/2002 sau khi đã qua 2 năm kinh doanh, SGT đã không điều chỉnh giá tăng theo quy định và cứ để như mức giá ban đầu. Và còn nhiều hợp đồng khác cũng được lãnh đạo SGT “ưu ái” kiểu như vậy.

Nghiêm trọng hơn, trong việc triển khai kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (Bingo) tại khách sạn Rex và Đệ Nhất, SGT đã chọn đối tác là Cty TNHH đầu tư Đất Mới. Thế nhưng, Cty này không có chức năng kinh doanh theo quy định.

Đặc biệt, trong lúc thực hiện thiết kế xây dựng câu lạc bộ trò chơi, ở Rex, Đất Mới đã ký hợp đồng với Cty tư vấn thiết kế xây dựng thuộc Tổng Cty Xây dựng Sài Gòn để tư vấn và xây dựng.

Dự án này mặc dù không có thiết kế dự toán được duyệt vẫn được tổ chức thi công và nghiệm thu. Công trình sau đó vẫn được thanh quyết toán phí thiết kế không đúng với đơn giá ban hành của Bộ Xây dựng.

Việc SGT “chiều chuộng” Cty Đất Mới khiến người ta phải suy nghĩ. Trong bài trước (Tiền Phong số 77, ngày 19/4/2005) chúng tôi cũng đã đề cập đến việc SGT chuyển nhượng 120.000 cổ phần (100.000 đồng/cổ phần) ở Cty cổ phần du lịch khách sạn Sài Gòn - Hạ Long với giá chuyển nhượng thấp hơn quy định của Hội đồng quản trị Cty này, cho thấy việc hợp tác giữa SGT và Đất Mới rất bất bình thường.  

Những “đứa con” của SGT ở nước ngoài

Tính đến cuối năm 2003, SGT đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp 03 giấy phép để thành lập các Cty liên doanh tại Nhật và Đức, Mỹ. Dự án liên doanh Yasaka - Sài Gòn tại Nhật, SGT góp 10 triệu yên, bằng 20% vốn kinh doanh nhà hàng ở Tokyo và Yokohama.

Thế nhưng, từ ngày 7/3/2002, việc kinh doanh của 2 nhà hàng nói trên đã được SGT giao cho phía Nhật điều hành và theo thỏa thuận đối tác hoàn trả vốn góp cho SGT  trong vòng 8,5 năm bằng tiền khấu hao, không tính lãi với số tiền mỗi năm 1.176.470 yên Nhật.

Thế nhưng đã 3 năm trôi qua, SGT mới nhận được 1 lần tiền là 1.176.470 yên. Liệu đến hết hạn theo thỏa thuận, SGT có thu được số vốn góp của mình?

Trong liên doanh này, phòng kế toán của SGT cũng có những động thái đáng ngờ. Trước hết là việc lập tờ trình lãnh đạo SGT duyệt khoản tiền 66.862 USD chuyển cho đối tác vượt số tiền nợ thực tế đến 4.973 USD và mãi 6 tháng sau số tiền trên  mới được thu hồi.

Ngoài ra, báo cáo của SGT cho thấy hàng tháng đối tác chịu khoản chi phí hoạt động của Văn phòng đại diện SGT tại Nhật với số tiền 1.000 USD/tháng nhưng khoản tiền này đã được SGT “lờ” đi không đề cập đến trong thỏa thuận hay hợp đồng liên doanh.

Tính từ tháng 3/2002 đến 3/2004, số tiền mà đối tác phải trả cho SGT đã là 24.000 USD, nhưng trong sổ sách kế toán của SGT không thấy thể hiện khoản tiền này.

Còn liên doanh ở Đức, SGT liên kết với 1 cá nhân là Việt kiều. Mục đích của dự án là kinh doanh nhà hàng Việt Nam, tiếp thị và bán tour du lịch với tổng số vốn đầu tư là 250.000USD, trong đó SGT góp 100.000 USD. Phiên bản kiểu “liên doanh Yasaka” được lặp lại.

Ngày 24/9/2003, SGT bàn giao quyền kinh doanh và điều hành nhà hàng cho đối tác. Còn SGT chỉ thực hiện quảng bá và hỗ trợ đối tác bán tour du lịch. Theo đó, đối tác cũng hoàn trả vốn đầu tư cho SGT trong 3 năm (6 tháng 1 lần là 16.700USD), bắt đầu từ tháng 1/2004.

Tuy nhiên, việc chi trả này đã không thực hiện qua ngân hàng theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Phía đối tác đã cử người quen mang tiền trực tiếp đến SGT để trả 2 lần khoản tiền là 16.700USD, chậm so với thời gian theo quy định của thỏa thuận từ 2 đến 4 tháng.

Qua thực tế kiểm tra cho thấy, đến tháng 6/2004, bộ phận kinh doanh lữ hành và dịch vụ lữ hành của liên doanh vẫn chưa hoạt động. Còn nhà hàng thì đã hoạt động được 15 tháng (tính thời điểm 3/2004) nhưng SGT vẫn chưa thu được khoản tiền nào khác ngoài số tiền mà đối tác trả số vốn góp.  

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.