Tổng cục Hải quan: Quyết tâm lập thêm nhiều kỳ tích mới

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn (hàng đầu, bìa trái) chụp ảnh cùng lãnh đạo hải quan các nước tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2018
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn (hàng đầu, bìa trái) chụp ảnh cùng lãnh đạo hải quan các nước tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2018
TP - Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên lập kỳ tích đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc hơn 400 tỷ USD. Bước sang 2018, dù nhiều khó khăn, thách thức hơn nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính, ngành Hải quan vẫn quyết tâm tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp để đón nhận những kỷ lục mới, cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới. 

Cộng đồng quốc tế ghi nhận

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Văn Cẩn, để đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, toàn ngành đã cải cách hiện đại hóa mạnh mẽ. Đến nay, 100% quy trình thủ tục cơ bản được thực hiện tự động với 99% tờ khai hải quan, 99% kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) được xử lý thông qua hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) tại 100% đơn vị trong hệ thống hải quan. Thời gian thông quan hàng hóa luồng xanh không quá 3 giây.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), TCHQ đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới, mở rộng phạm vi, số lượng DN tham gia. Tính đến nay, đã có 11 bộ, ngành kết nối 68 TTHC với 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 DN đã được xử lý thông qua NSW.

Theo ông Kim Long Biên, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa (TCHQ), phần lớn TTHC đã được đơn giản hóa về hồ sơ giấy tờ, điện tử hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN). Ngành đã rà soát, giảm bớt số lượng TTHC từ 239 (năm 2014) đến nay chỉ còn 183 thủ tục. Vừa qua, TCHQ đã đề xuất cắt giảm 15/31 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực hải quan.
“Có thể khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách TTHC thời gian qua đến nay mục tiêu thực hiện thủ tục hải quan mọi nơi - mọi lúc- mọi phương tiện của ngành Hải quan cơ bản đã có thể đạt được”, ông Biên phấn khởi.

Song song với đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đảm bảo tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả cũng được TCHQ chú trọng hàng đầu. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, đến nay, TCHQ đã cắt giảm 239 tổ chức bộ máy cấp Đội (Tổ) thuộc Chi cục và tương đương. Tổng cục đã ban hành Quy chế hoạt động công vụ, Quy chế kiểm soát 3 cấp Hải quan, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, Kế hoạch đối tác Hải quan - Doanh nghiệp...

Cộng đồng DN nói chung và 80.000 DN tham gia hoạt động XNK đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Hải quan trong việc đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động và đẩy mạnh cải cách hành chính; góp phần thiết thực giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Về triển khai ASW, theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan, ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai và đạt được một số bước tiến tích cực. Theo đó, từ 1/1/2018, Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin e-C/O form D (Chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử mẫu D) với các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Tổng cục Hải quan: Quyết tâm lập thêm nhiều kỳ tích mới ảnh 1  Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam năm 2017 
đã rút ngắn đáng kể nhờ những nỗ lực của ngành Hải quan

Thành quả và nỗ lực nêu trên của TCHQ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Minh chứng là báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016 – 2017), Việt Nam luôn đứng vững vị trí 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.

Tích cực thúc đẩy kết nối một cửa quốc gia

Theo Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Công Bình, với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899, TCHQ tiếp tục nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp đơn giản hóa thủ tục KTCN, tăng tốc kết nối ASW và NSW.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ông Bình cho hay, ngành sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách TTHC để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với TTHC trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế; việc trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ trên nền tảng Cổng thông tin NSW.

Theo khảo sát của VCCI, trong tổng thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới thì thời gian KTCN do các cơ quan KTCN thực hiện chiếm đến 72%, 28% còn lại của cơ quan Hải quan, đây là vấn đề cần được các Bộ, ngành cải cách mạnh hơn nữa để góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam.

Cũng theo ông Bình, ngành sẽ xây dựng, triển khai hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin NSW; hoàn thiện Cổng thông tin NSW sẵn sàng về mặt kỹ thuật để thực hiện ASW theo lộ trình; đẩy mạnh thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, cơ quan hải quan xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá độc lập từ phía cộng đồng DN đối với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, từ nay đến cuối năm 2018, TCHQ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020; quyết định về việc bổ sung nhiệm vụ điều phối hoạt động logistics vào Ủy ban Chỉ đạo quốc gia 1899; trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các TTHC thông qua NSW, ASW và KTCN đối với hàng hóa XK, NK.
“Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, THCQ sẽ nỗ lực hết sức mình, phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp nêu trên”, ông Cẩn khẳng định.

Tổng cục Hải quan: Quyết tâm lập thêm nhiều kỳ tích mới ảnh 2 Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn (thứ 2, từ trái qua) dự phiên họp lần thứ 132 Hội đồng Hợp tác Hải quan của Tổ chức Hải quan thế giới tại Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ

Những thành quả của ngành Hải quan đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng DN ghi nhận trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Tại lễ công bố kim ngạch XNK của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD vào tháng 12/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của TCHQ, Bộ Tài chính. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới trong giao thương quốc tế có sự cải thiện rõ rệt. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan quyết tâm lập thêm những kỷ lục mới về cả chất và lượng XNK hàng hóa, cũng như cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.

Báo cáo Doing Business 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam năm 2017 đã rút ngắn đáng kể, giảm 6 giờ đối với hàng hóa NK, giảm 3 giờ đối với hàng hóa XK; chi phí thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới giảm 19 USD/cont đối với cả hàng XK và NK. Đây là một minh chứng rõ nét về hiệu quả thực hiện CCHC của ngành Hải quan.

MỚI - NÓNG