Tổng Liên đoàn Lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt

Cơ quan đại diện người lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt. Ảnh minh họa.
Cơ quan đại diện người lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt. Ảnh minh họa.
TPO - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)-đơn vị soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tiếp tục đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong bản dự thảo lần 2. 

Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan đại diện người lao động) không đồng tình với cách tăng tuổi hưu đồng loạt mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng. 

“Tuổi nghỉ hưu của khu vực lao động trực tiếp phải căn cứ vào điều kiện làm việc, sức khỏe. Nước khác họ tăng tuổi hưu nhưng người lao động của họ làm việc trong môi trường tự động hóa cao, còn người lao động Việt Nam chủ yếu làm chân tay, cơ bắp. Thậm chí, người lao động trong khu vực dệt may, da giày, thủy sản tới 33-35 tuổi là chủ sử dụng tìm cách sa thải rồi, đâu làm được tới lúc nghỉ hưu”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, ngay trong khu vực sự nghiệp cũng có một số ngành nghề khó tăng tuổi nghỉ hưu. Đơn cử như cô giáo dạy mầm non, tiểu học tới 60 tuổi làm sao bế cháu, dạy múa được. Hay điều dưỡng, y tá ở các bệnh viện cũng khó có thể kéo dài thời gian làm việc tới tuổi 60.

“Lý do ban soạn thảo đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng chưa thuyết phục, như để bảo đảm an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội, dân số Việt Nam đang già hóa…”, ông Chính nói và cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tới cơ hội việc làm của lao động trẻ. “Đang bàn nhiều lắm, đây là câu chuyện dài”, ông Chính nói.

Lùi thời điểm nhưng tăng tốc độ


Dù lùi thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu so với dự thảo lần 1, nhưng dự thảo lần 2 đưa ra phương án tăng tuổi hưu nhanh hơn.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lùi thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu tới 1/1/2021. Thay vì áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến năm 2019) như lần trước. Nhưng đổi lại, tốc độ tăng tuổi nghỉ hưu của đề xuất lần này sẽ nhanh hơn lần đề xuất trước (rút ngắn nửa lộ trình).

Cụ thể, từ năm 2021, với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì 3 tháng/năm như dự thảo lần 1), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. 

Với tốc độ này, lao động nam chỉ mất lộ trình tăng 4 năm để tăng từ 60 tuổi hiện nay lên 62 tuổi, tức tới năm 2025. Trong khi theo phương án cũ (tăng 3 tháng/năm từ ngày luật có hiệu lực năm 2019), lộ trình tăng tuổi hưu với nam phải mất 8 năm mới đạt ngưỡng 62 tuổi, tức tới năm 2027.

Với lao động nữ, dự thảo mới đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chỉ trong 10 năm để tăng từ ngưỡng 55 tuổi hiện nay lên 60 tuổi, tức tới năm 2031. Trong khi, theo đề xuất lần trước, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nữ phải mất 20 năm mới đạt 60 tuổi, tức tới năm 2039 (dù bắt đầu tăng từ năm 2019).

Ngoài ra, dự luật mới tiếp tục bảo lưu phương án người lao động có chuyên môn kỹ thuật, quản lý, trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn nhưng không quá 5 năm so với khung trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu). Người lao động suy giảm sức lao động, làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nghề đặc thù… có thể nghỉ hưu sớm hơn khung trên.

Dự thảo lần 2 về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng đề xuất tăng khung giờ làm thêm, nhưng mức đề xuất mới đã thay đổi so với đề xuất lần 1. Cụ thể, đơn vị soạn thảo đề xuất tổng số giờ làm thêm 1 năm không quá 400 giờ (thay vì 600 giờ/năm như dự thảo trước, và tăng 100 giờ/năm so với quy định hiện hành). 
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, dù đề xuất như vậy nhưng cơ quan soạn thảo chưa đưa ra nghiên cứu đánh giá tác động. “Phải có báo cáo tác động tới người lao động như về sức khỏe, điều kiện làm việc, không thể nói tăng là tăng. Tăng giờ làm thêm sẽ có lợi cho doanh nghiệp, nhưng phải xem người lao động có đủ sức khỏe làm không, và phải trả công xứng đáng để 2 bên cùng có lợi”, ông Chính nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.