TP HCM bàn cách giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp nội

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Ngọc Hậu/VnExpress
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Ngọc Hậu/VnExpress
Lãnh đạo TP HCM yêu cầu quyết liệt tìm giải pháp phát triển thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngày 30/5, trong cuộc họp bàn về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP HCM 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo ngành Công Thương của Thành phố cần phải có giải pháp để phát triển thị trường bán lẻ. Nếu không kiểm soát và định hướng, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ bị tác động và khó khăn bởi các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo ông Phong, các nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đang xem Việt Nam là thị trường nước ngoài tiềm năng nhất. Hơn thế, hiện nay tại thị trường bán lẻ TP HCM, các thương hiệu Metro, Nguyễn Kim, Big C đều đã về tay các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan. Các tập đoàn nước ngoài hướng thị trường Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ thứ nhì khu vực sau Malaysia.

“Chúng ta không có chiến lược sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối hoàn toàn thị trường. Dù bây giờ mới có chiến lược thì đã chậm, nhưng chậm còn hơn không”, ông Phong khẳng định.

Bàn thêm về giải pháp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng cạnh tranh thị trường bán lẻ rất phức tạp, nếu không cải thiện, không đầu tư đúng mức thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Hiện liên kết vùng - miền, địa phương - doanh nghiệp, doanh nghiệp - Nhà nước… còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, Sở Công Thương TP HCM cần lưu ý chỉ đạo phối hợp các ngành, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định bản đồ ngành bán lẻ Việt Nam đã được vẽ lại kể từ sau thương vụ Central Group mới đây chi hơn 1 tỷ USD mua Big C, với nhiều nét chấm phá cho người Thái.

Hoàn tất thương vụ này, người Thái đã có trong tay chuỗi siêu thị thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam. Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.  

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart) với tham vọng xây dựng hàng nghìn cửa hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG