TP HCM: Giá thuốc lại 'nhảy múa'

TP HCM: Giá thuốc lại 'nhảy múa'
TP - Giá thuốc chưa kịp bình ổn sau những nỗ lực thanh kiểm tra của Bộ Y tế vào những ngày cuối tháng 4, thì nay lại gia tăng trở lại, tạo nên cơn sốt giá khiến cho bệnh nhân rơi vào tình cảnh: Khóc cùng giá thuốc!

Nhiều nhà kinh doanh dược phẩm tại Trung tâm Thương mại dược phẩm quận 10- TPHCM đều cho rằng giá thuốc cả nội lẫn ngoại đều âm ỉ tăng giá từ 3 tháng trở lại đây.

Chị Lê Thị Mỹ Linh- phụ trách kinh doanh Cty TNHH dược phẩm Việt Thái cho biết, mấy tháng qua bán hàng hơi chậm do giá thuốc đã gia tăng.

Theo chị Linh thì hàng loạt kháng sinh uống mà Cty Việt Thái phân phối từ  Cty CP Hóa- Dược phẩm Mekophar đã tăng giá từ tháng 3-4 về trước và âm ỉ kéo dài cho đến nay.

“Có những loại kháng sinh “nhảy” giá cao như Amoxicilin 500mg vào tháng 3 bán với giá 45.000 đồng/hộp thì nay đã lên 75.300 đồng/hộp hay Amoxicilin MKP cũng tăng 10.000đồng/hộp từ nhiều tháng qua. Hoặc Ampicilin 500mg từ 43.000 đồng/hộp nay đã tăng lên 72.000 đồng/hộp”- Chị Linh liệt kê.

Ngoài ra theo Cty này thì các loại kháng sinh như: Cephalexin loại chai và Cephalexin 500mg hay Cephalexin MKP 500 đều tăng giá từ 15- 20.000 đồng/ hộp. Không chỉ các loại kháng sinh mà các loại vitamin cũng tăng giá từ 2-4%.

Không những vậy, một dược sĩ ở cửa hàng dược phẩm số 41- Trung tâm Thương mại dược cho biết sản phẩm Sporidex  loại 250mg tăng lên 10.000 đồng/hộp; loại 500mg từ đầu tháng 5 đến nay với giá từ 76.000 đồng/hộp lên 88.000 đồng/hộp. Đây là sản phẩm của Cty Ranbaxy do Ấn Độ nhượng quyền cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các sản phẩm khác như: Cepharosil 500mg từ giá 74.000 đồng lên 82.000 đồng/hộp; Cephalexil 500mg từ 62.000đồng tăng lên 78.000đồng/hộp. Hay sản phẩm Librax 2,5mg điều trị giảm đau co thắt dạ dày của Cty Zuellig Pharma phân phối từ tháng 6 đã tăng giá từ 98.000đồng lên 101.000 đồng/hộp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 3 loại sản phẩm của Cty Servier- Pháp là Arcalion, Vastarel 20mg và Vastarel 30mg đều tăng giá 5%. Tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh dược phẩm thì việc giá thuốc “nhảy múa” liên tục trong nhiều tháng qua là vì nguyên liệu tăng và chi phí cho hoa hồng, tiếp thị sản phẩm và tổ chức hội thảo!

Quản lý giá thuốc: Chờ!

Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành nhiều đoàn đi kiểm tra giá thuốc nhằm bình ổn giá tại TPHCM và Hà Nội sau 3 lần thuốc đồng loạt tăng giá. Thế nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy: giá thuốc vẫn…ngoài tầm kiểm soát!

Trước đó, trong cuộc thanh tra giá thuốc khi trao đổi với báo chí, ông Cao Minh Quang- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng thuốc là hàng hóa nên cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường, và giá thuốc dao động trong một biên độ cho phép với mức 3-5% là điều bình thường.

Không biết đó có phải là cách biện minh cho việc bất hợp lý trong quản lý giá thuốc hay không?

Vì mới đây ngày 17/8, trong công văn gửi các Sở Y tế, Cty sản xuất kinh doanh thuốc Việt Nam và các cơ sở khám, chữa bệnh y tế công lập để triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường thuốc, Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết chỉ số nhóm hàng dược phẩm, y tế trong 7 tháng đầu năm đã tăng 3,58%, đặc biệt trong 2 tháng 6-7 đã tăng 0,81%.

Để bình ổn giá thuốc, đến ngày 17/8 vừa qua, Cục quản lý dược mới có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với Sở Tài chính thành lập tổ chuyên gia để tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá thuốc kê khai lại tại cơ sở sản xuất kinh doanh….trước khi chờ liên bộ Y tế- Tài chính ban hành thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý giá thuốc.

Như vậy, đến khi “cơn lốc” giá thuốc tăng lên ngành chức năng mới vào cuộc. Trong khi đó, tại thị trường TPHCM, giá thuốc đã tăng trở lại từ cách đây 3 tháng và âm thầm cho đến nay. Nhưng gần như ngành chức năng vẫn thả nổi trong việc kiểm tra, thực hiện bình ổn giá vì… chờ chỉ đạo! 

MỚI - NÓNG