TPHCM: Địa ốc vẫn 'âm thầm' tăng giá

TPHCM: Địa ốc vẫn 'âm thầm' tăng giá
TP - Sau nhiều ngày chựng lại, thị trường địa ốc tại TPHCM lại “âm thầm” tăng giá! Không nhiều như cơn sốt lần trước và tập trung vào đất dự án, căn hộ đang xây hay sắp giao nhà nhưng “tác nhân” giúp bất động sản tăng giá ngày càng đa dạng hơn.
TPHCM: Địa ốc vẫn 'âm thầm' tăng giá ảnh 1
Nhà đất TPHCM vẫn “âm thầm” lên giá

Trong khi nhà đất trong nội thành TPHCM gần như đứng yên, một số nơi còn xuống giá do kẹt xe, triều cường và biến thành đường một chiều thì vùng ven, ngoại thành, giáp ranh… lại nhích nhẹ từ đầu tháng 12 đến nay.

Các khu vực vẫn nóng như Q.2, Nam Sài Gòn, Bình Dương, Long Hậu (Long An), Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay dọc theo Quốc lộ 51,56 (Bà Rịa - Vũng Tàu)… khá nhiều nơi đã tăng từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/m2 chỉ trong vòng 3-4 tuần qua.

Đất tại KCN Mỹ Phước 3, cách TPHCM đến 45km và nhiều lô còn nằm trên giấy nhưng cũng tăng 300.000 đồng - 500.000đồng/m2, đất dự án có hạ tầng tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2007. Đất nền tại khu An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), Trung Sơn (Bình Chánh), Him Lam (Q.7), Phú Xuân ( Nhà Bè)… đã tăng trên 1 triệu đồng/m2 từ hai tuần nay.

Theo ông Trần Phúc, trưởng văn phòng môi giới địa ốc Phúc Hưng (Q. 2, TPHCM) thì “giao dịch không sôi động như hồi còn sốt nhưng đã tăng so với đầu tháng 11/2007.

90% người mua chủ yếu là dân kinh doanh và họ đang chọn mua những dự án đã có trên thực tế vì ngại các quy định mới”. Riêng các dự án căn hộ ở Q.2, Q.7, Q.4… đều đã tăng trên 1 triệu đồng/m2 như khu CHCC An Thịnh, Lương Định Của, Catavill (Q.2), H3, Vạn Đô, Contrexim (Q.4), Hoàng Anh 1,2,3, V-Star, Hoàng Kim (Q.7)…

Thậm chí những khu căn hộ ở xa như Dĩ An (Bình Dương), Phú Mỹ Thuận (Nhà Bè) cũng tăng 10-20% so với 1 tháng trước đây. Nguyên nhân chính khiến bất động sản tăng giá chủ yếu do sức mua của giới đầu tư tăng mạnh do vay mượn tiền ngân hàng khá dễ, giới kinh doanh từ phía Bắc vào ngày càng nhiều và Việt kiều chuyển tiền về kinh doanh bất động sản.

Trong hai ngày 18-19/12, tìm hiểu tại các văn phòng môi giới, Cty địa ốc tại Q.2, Q.7 và Q.4 thì số khách hàng phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội đang chiếm đến 40-50% giao dịch.

Chị Vũ Thị H. (nhà ở Trần Hưng Đạo Hà Nội) cho biết: “Hiện nay đất, căn hộ trong các dự án ở Hà Nội tại những khu xa trung tâm 10-15km cũng khó có giá dưới 25-30 triệu đồng/m2, trong khi đó tại ngay Q. Bình Thạnh hay Q.4 chỉ cách trung tâm TPHCM có 2-3 km tôi vẫn mua được với giá trên dưới 20 triệu đồng/m2”.

Ông Vũ Minh Long, Phó Giám đốc Cty địa ốc Địa Long nói: “Khách hàng Hà Nội lý giải đất Hà Đông chưa san lấp, chưa giải tỏa xong mà giá đã trên 12-15 triệu đồng/m2 nên đất Bình Chánh hay Bình Dương từ 7-15 triệu đồng/m2 vẫn còn rẻ chán và họ mua rất nhanh”.

Văn phòng địa ốc Q.2 của Cty Phát Hưng cho hay có nhiều khách hàng phía Bắc đặt 3-4 nền biệt thự tại các khu Huy Hoàng, An Phú - An Khánh dù giá 35-40 triệu/m2 và “họ đang là khách hàng được các văn phòng môi giới địa ốc săn đón nhất”.

Do “nhìn đất Sài Gòn duới con mắt người Hà Nội” nên họ ít cò kè, mua bán nhanh chóng và góp phần không nhỏ “thiết lập” thang giá mới cho nhiều khu đất, dự án căn hộ.

Từ tháng 9/2007 đến nay, khá nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần đã tự tìm đến khách hàng để cho vay tiền mua nhà, đất với thủ tục khá thoáng, điều kiện ưu đãi. Giám đốc tín dụng một ngân hàng cổ phần than phiền:

“Do thừa tiền đồng và cạnh tranh giành khách hàng, nhiều ngân hàng đã xét duyệt và giải ngân quá dễ khiến cuộc đua này nhiều rủi ro hơn”.

Chị Vũ Thị Thu L. (P. Bến Nghé, Q.1) tiết lộ: “Trong số 7 tỷ tôi kinh doanh địa ốc thì NH T. cho vay hết 7 tỷ với lãi suất chưa đến 1% mà làm thủ tục, xét duyệt chỉ trong vòng 3 ngày cho mỗi hồ sơ”.

Trưởng một văn phòng môi giới nhà đất tại Q.7 còn khẳng định nhiều nhân viên ngân hàng đến nói với ông “có khách mua nhà kẹt tiền anh cứ giới thiệu sẽ có hoa hồng nếu họ vay tiền ngân hàng, đảm bảo lãi suất dưới 1%, thế chấp bằng chính sản phẩm mua với tiền giải ngân đến 90%”.

Không cho dân đầu tư chứng khoán vay quá 3%, dân kinh doanh ngại lãi suất cao… các ngân hàng đang xem dân kinh doanh địa ốc là khách hàng “tiềm năng” nhất.

Ông Trần Huy Bình (Q.5, TP HCM) vừa mua một căn hộ tại Phú Mỹ Hưng thừa nhận: “Thật ra tôi còn thiếu hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ngân hàng A. cho vay đến 20 năm và hứa nếu chậm trễ trả nợ trong vài tháng họ cũng có cách giải quyết nên tôi vay luôn. Tính ra lãi trả 3 tháng mới hơn 40 triệu nhưng có người trả tôi lời 120 triệu đồng rồi”.

Ngoài 2 nguyên nhân trên thì Việt kiều thời gian qua cũng đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam khá nhiều. Bà Lâm Minh Hiền (Việt kiều Mỹ) vừa bốc thăm trúng một căn hộ tại dự án Saigon Pearl (Bình Thạnh) nói rằng, nhà Việt Nam đã quá cao nhưng mấy năm nay bà mua dự án nào cũng lời ít nhất 30-40% nên rủ thêm bạn bè về đầu tư.

Các Cty địa ốc cũng đưa ra thông tin đối tượng khách hàng này đã tác động đến nhà đầu tư trong nước vì “họ mua nhiều giá sẽ tiếp tục lên”.

Các quỹ, Cty nước ngoài vẫn đổ vốn vào bất động sản Việt Nam, giá dự án sau luôn cao hơn dự án trước, đối tượng mua nhà ngày càng mở rộng, giá địa ốc TPHCM vẫn đang chạy theo Hà Nội… cùng với những “tác nhân” trên đang đẩy thị trường địa ốc vẫn “âm thầm” tăng giá dù thông tin bất lợi vẫn chưa tan hết. 

MỚI - NÓNG