TPHCM: Nhiều mặt hàng trong siêu thị sẽ tăng giá

TPHCM: Nhiều mặt hàng trong siêu thị sẽ tăng giá
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Cán bộ quản lý siêu thị Citymark Nguyễn Trãi cho biết: Nhiều nhà cung cấp hàng cho siêu thị thông báo sẽ đồng loạt tăng giá các mặt hàng với mức 5 - 7%, kể từ ngày 1/8.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Giám đốc Siêu thị Hà Nội cũng cho biết đến nay hệ thống siêu thị Hà Nội đã nhận được thông báo tăng giá của khoảng 300 nhà cung cấp, thời gian tăng giá kể từ tuần thứ hai của tháng Tám, với mức tăng 5 - 10%.

Bà Hải cho biết thêm, không phải đợi đến tháng Tám, ngay từ trung tuần tháng Bảy này nhiều nhà cung cấp đã điều chỉnh giá một số mặt hàng theo hướng tăng 5 - 10%, gồm cà phê, đường, bột giặt và đồ nhựa gia dụng.

Một số mặt hàng khác các nhà cung cấp cũng thông báo tăng giá, nhưng do lượng hàng dự trữ còn khá nhiều nên siêu thị Hà Nội vẫn tiếp tục bán với giá cũ.

Các mặt hàng đồng loạt tăng giá trong tháng Tám là sữa, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, thủy tinh và các mặt hàng hoá mỹ phẩm.

Theo ông Tuấn, các mặt hàng tăng giá thường được làm từ nguyên liệu liên quan đến dầu mỏ hoặc do tác động khá trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu.

“Tình hình thị trường biến động tới đâu, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá tới đó” - Bà Nguyễn Kim Thoa, GĐ Cty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), nói.

Mặc dù vậy, bà Thoa cho biết, giá sản phẩm vẫn tăng không tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào. Chẳng hạn, thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào tăng 30% nhưng giá bán sản phẩm của SCC chỉ tăng 10%.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng chưa tăng tương ứng với giá đầu vào. Bà Hòa Bình - GĐ Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre - cho biết Xí nghiệp này (thuộc Tổng Cty Thương mại Sài Gòn) được TPHCM hỗ trợ vốn đầu tư để dự trữ nguyên liệu nhằm bình ổn giá thị trường.

Một số mặt hàng khác, do đặc điểm mùa vụ nên vẫn ổn định về giá, đó là các loại bánh kẹo, trà và nước giải khát…

Hiện đang là mùa mưa và cũng không phải mùa lễ hội nên nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này chững lại. Tuy nhiên, đáng nói nhất là rất nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì sản xuất và giữ khách hàng.

Ông Võ Văn Đức Tám – GĐ Cty Nhựa Chợ Lớn - bộc bạch: “Mặt hàng nhựa đang gặp khó khăn về đầu ra nên mặc dù giá đầu vào tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn phải giữ giá bán ở mức thấp chỉ đủ để duy trì sản xuất, có thu nhập cho người lao động và để giữ khách hàng”.

Cũng theo bà Hải, nhiều nhà cung cấp ở phía Bắc xa xôi nhưng vẫn phải chấp nhận chịu lỗ chi phí vận tải để giữ giá tương đương với các mặt hàng được sản xuất tại TPHCM và các vùng phụ cận.

Điều đó cho thấy “sự bình ổn về giá một số mặt hàng như hiện nay sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian không lâu”. Một chuyên gia kinh tế nhận định.

Trước nguy cơ giảm sức mua vì tăng giá, các siêu thị áp dụng nhiều chiêu thức khuyến mãi để giữ chân khách hàng và đảm bảo doanh thu.  

MỚI - NÓNG