TPHCM: Nông dân bỏ bò sữa vì thua lỗ

TPHCM: Nông dân bỏ bò sữa vì thua lỗ
TP - “Chúng tôi đang phải bù lỗ để nuôi bò”- hàng loạt hộ nuôi bò sữa tại TP Hồ Chí Minh cùng cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ với Sở NN&PTNT TPHCM diễn ra ngày 13-5.
Nhiều hộ dân nuôi bò sữa ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh đang phải giảm hoặc bỏ đàn bò đi làm việc khác. Ảnh: Đại Dương
Nhiều hộ dân nuôi bò sữa ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh đang phải giảm hoặc bỏ đàn bò đi làm việc khác. Ảnh: Đại Dương.

Ông Trần Văn Liền, một hộ nuôi bò tại Bình Chánh, cho biết, sau một năm nuôi bò sữa, ông có được những con số bất ngờ: Chi phí 25 triệu đồng/con/năm. Trong đó, riêng tiền thức ăn (cám, xác mì, hèm bia) lên tới trên 23 triệu đồng. Đổi lại, ông thu được 4.500 kg sữa, nếu mức giá thu mua trung bình 7.000 đồng/kg, ông lãi được khoảng 3,5 triệu đồng. Nhưng theo ông Liền, trong một đàn bò 20 - 30 con, thì chỉ có 15 - 20 con cho sữa. Cho nên, theo tính toán của ông, nếu tính theo đơn vị đàn, tiền sữa bán ra không đủ nuôi sống cho cả đàn.

Trong khi đó, theo khảo sát của Hội nông dân TP Hồ Chí Minh tại 200 hộ nuôi bò trên địa bàn thành phố, chi phí cho mỗi kilôgam sữa tươi hiện lên tới 8.100 đồng, trong khi giá bán chỉ 7.000 – 7.200 đồng/kg (tại điểm thu mua), như vậy người nuôi bò đang lỗ 800 đồng/kg sữa.

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó phòng Kinh tế xã hội, Hội nông dân TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 7 lần giá thức ăn cho bò tăng giá, tổng các lần tăng tính đến nay là 25%. Một bao cám 25kg trước đây có giá khoảng 215.000 đồng, đến nay đã lên tới 237.000 – 245.000 đồng trong khi giá sữa vẫn giữ nguyên.

Đó là nguyên nhân chính, trực tiếp khiến người nuôi bò thua lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi còn đóng cửa chuồng khiến đàn bò sữa giảm sút mạnh. Theo hội nông dân thành phố, chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, lượng bò sữa trên địa bàn thành phố đã giảm khoảng 6.000 con.

Ông Tủi cho rằng, giá sữa thu mua của nông dân quá thấp so với giá sữa thành phẩm doanh nghiệp bán ra thị trường (28.000 đồng/kg) là một sự bất hợp lý lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng sữa. Theo ông Tủi, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất nguồn nguyên liệu của mình nếu để kéo dài tình trạng này.

MỚI - NÓNG