TPHCM: Rau an toàn, vừa bán vừa bỏ

TPHCM: Rau an toàn, vừa bán vừa bỏ
TP- Tháng 10/2003, Hợp tác xã rau an toàn Tân Phú Trung ra đời từ cơ sở 6 tổ rau an toàn đã được hình thành trước đó.
TPHCM: Rau an toàn, vừa bán vừa bỏ ảnh 1

Từ năm 1997 - 1998, quan niệm trồng rau an toàn đã sớm được hình thành thông qua việc tuyên truyền và tác động tích cực đến tâm lý của bà con.

Tân Phú Trung là xã có diện tích tự nhiên rộng nhất trên địa bàn huyện Củ Chi với hơn 3.000 ha. Trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 2.500 ha.

Khi ấy, Hội Nông dân xã còn vận động xây dựng 31 nhà lưới trồng rau, mỗi căn trị giá hơn 10 triệu đồng. Mỗi tháng nơi đây sản xuất ra hơn 60 tấn rau với tổng thu nhập dao động từ 90 - 120 triệu đồng, thu nhập hàng tháng của mỗi xã viên cũng từ 2,5 - 3 triệu đồng. Thế nhưng giờ đây, điều ấy chỉ còn là quá khứ.

Vừa qua, chúng tôi trở lại thăm vùng rau an toàn. Không khí nơi đây không còn nhộn nhịp như hồi vùng rau an toàn của xã còn "nở mặt nở mày".

Chị Trần Thị Nhẫn (ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) giọng buồn hiu tâm sự: "Làm rau an toàn công nhận là bán có lời. Nhưng những ngày qua rau ế ẩm, bán không được nhiều, toàn lỗ. Cải ngọt trước đây bán 6.000 - 7.000 đ/kg, nay chỉ còn 2.000đ/kg".

Gia đình chị Nhẫn là một trong những hộ có diện tích trồng rau an toàn lớn. Gia đình của chị thuê 2.300 m2 để trồng các loại rau dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt…

Khi thu hoạch, sản phẩm được tổ hợp tác bao tiêu từ bấy năm nay. Thế nhưng thời "bão giá", kéo theo giá vật tư nông nghiệp tăng vùn vụt, khiến nghề nông lao đao, những hộ dân của vùng rau an toàn Tân Phú Trung đều lâm vào cảnh ngộ giống chị.

Nhiều năm qua các hộ dân xã Tân Phú Trung đều tuân thủ theo quy trình rau an toàn và được đảm bảo đầu ra, dù có lúc thị trường được giá người trồng phải chấp nhận bán giá thấp như cam kết. Nhưng trong vòng hai tháng qua, rau an toàn lại tiêu thụ được rất ít, trong khi các liếp rau an toàn cứ lớn theo thời gian cách ly thuốc nên phải cắt bỏ.

Một thực tế khắc nghiệt khác đang dần bóp chết người trồng rau an toàn. Đó là việc tổ hợp tác không thể quyết được số lượng tiêu thụ mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhà phân phối. Khi có đơn đặt hàng, họ sẽ cân đối các chủng loại rau rồi báo cho các hộ trồng rau an toàn theo số lượng cần từng ngày.

Ông Nguyễn Hoàng, Tổ trưởng liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung, đơn vị thu mua rau an toàn trong xã cho biết, trước có trên 14 ha đất với 70-80 hộ trồng rau an toàn nhưng nay diện tích đã dần dần co hẹp lại.

Giờ chỉ còn 50 hộ trên diện tích 10 ha. Bình quân mỗi ngày tổ hợp tác cung ứng khoảng 2 tấn rau cho hệ thống siêu thị và các bếp ăn trường học. Nay đang thời điểm nghỉ hè, thời tiết lại thuận nên cung đã vượt cầu, khiến rau an toàn bị rớt giá.

Ông Nguyễn Quốc Toản, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tân Phú Trung thừa nhận, giá các loại rau an toàn đã giảm 60-65% so với cuối tháng 5 và giảm 10% so với giá trung bình năm 2007.

Mỗi ngày, HTX rau an toàn Tân Phú Trung đưa ra thị trường khoảng 4 tấn rau an toàn các loại, trong đó bán cho siêu thị Metro chỉ khoảng 10% (400kg), còn lại bán ở chợ đầu mối Hóc Môn với giá như các loại rau trồng bình thường khác. Hiện nay bình quân mỗi ngày lượng rau an toàn dư thừa mà người dân phải bỏ đi khoảng 1 đến 1,5 tấn. 

Theo ông Toản, người trồng  rau an toàn chủ yếu lấy công làm lời nhưng giá vật tư nông nghiệp quá cao nên đã "ăn" hết công sức của họ.

Mặt khác, kênh tiêu thụ rau an toàn của HTX là hệ thống siêu thị Metro, nơi Sở NN&PTNT làm cầu nối, đã không còn như trước. Tình trạng ép giá đã xảy ra và  HTX không thể ép xã viên nên không thể nhượng bộ với hệ thống Metro mà hạ giá. Vì vậy rau an toàn từ chỗ đưa vào Metro 1-2 tấn/ngày giờ chỉ còn một số chủng loại rau với số lượng 300-350 kg/ngày!

Nhớ lại cách đây vài năm, vùng rau an toàn ở xã Tân Phú Trung, một chương trình của Thành ủy TPHCM, còn là niềm tự hào và được xem là điển hình về phát triển nông nghiệp của TPHCM và từng được  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đến thăm.

Song giờ đây trước khó khăn của vùng rau an toàn, những người có trách nhiệm không hề có động thái tác động nào để rau an toàn có thể đàng hoàng bước vào hệ thống siêu thị và thậm chí là quên luôn chỉ đạo của lãnh đạo thành phố: "Mỗi tháng phải họp giao ban 1 lần về rau an toàn".

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.