TP.Hồ Chí Minh: Thiếu vốn hay thiếu cơ chế?

TP.Hồ Chí Minh: Thiếu vốn hay thiếu cơ chế?
Đấy là vấn đề mấu chốt để giải bài toán huy động vốn đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh, được ông Nguyễn Gia Định - TGĐ Ngân hàng thương mại cổ phần XNK Việt Nam- đặt ra tại cuộc gặp giữa UBND thành phố với các nhà đầu tư, diễn ra hôm qua (17/3).

Theo ông Thái Văn Rê - GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố năm 2005 là 53.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ bên ngoài thông qua các hình thức FDI, ODA khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm 22,6%; phần còn lại sẽ huy động các thành phần kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác khiến việc huy động vốn trong nước gặp không ít khó khăn. “Mâu thuẫn sâu sắc nhất của chúng ta là sự phát triển không cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ”- Ông Hoàng Văn Toàn - GĐ Ngân hàng CP thương mại Nam Á- nói. Đó cũng là lý do khiến “chúng ta có tiền nhưng không có vốn”. Theo ông Toàn, hiện các ngân hàng đang giữ gần 200.000 tỷ đồng nhưng vì tiền không luân chuyển được, kéo theo việc không luân chuyển được vốn.

Cũng theo ông Toàn, vốn không chỉ là tiền, tất cả những tài sản thể hiện được giá trị khi đưa ra thị trường đều là vốn. Và muốn vậy, phải tạo cho những loại vốn này được bảo hộ quyền sở hữu, sử dụng, chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, thế chấp… một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tiếc rằng, đó lại là những yếu kém khiến nguồn vốn trong nước ta có rất nhiều bị “đóng băng”, không luân chuyển được.

Ông Đỗ Trung Kiên-Phó GĐ Sở Giao dịch II, Ngân hàng Công thương Việt Nam - dẫn chứng: Tốc độ sắp xếp lại các DN Nhà nước thời gian qua còn chậm, do vậy chưa giải phóng được nguồn vốn khê đọng trong các DN làm ăn kém hiệu quả, chưa tạo được hàng hoá cho thị trường chứng khoán phát triển. Việc bán, khoán và cho thuê các DN Nhà nước còn nhiều vướng mắc nên cũng chưa khai thác được nguồn vốn này.

Trong khi đó, tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn các ngân hàng huy động được rất thấp, chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, nên mức đầu tư cho các dự án còn hạn chế, khó đáp ứng được các dự án phát triển hạ tầng.

Cần xem lại mình!

Sau khi nêu sự kiện hai địa phương Hà Nội và Đồng Nai “qua mặt” TP.Hồ Chí Minh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai tháng đầu năm 2005, ông Nguyễn Gia Định thẳng thắn đặt vấn đề: “Có phải là thiếu vốn hay do cơ chế chính sách? Thành phố cần xem lại mình!”.

Một trong những lý do quan trọng nhất khiến các ngân hàng “ngán” đầu tư vào các dự án dài hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng là vì cơ chế chính sách của thành phố thay đổi, khiến việc thu hồi vốn khó khăn. Ông Nguyễn Phước Thanh-GĐ Ngân hàng ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh (VCB HCM) nêu dẫn chứng về dự án Liên tỉnh lộ 15 (đường Huỳnh Tấn Phát).

Đây là dự án đầu tư theo hình thức BOT, số tiền các ngân hàng cho vay là 138,7 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT, khi hoàn tất công trình sẽ thu phí  suốt tuyến từ cầu Khánh Hội đến phà Bình Khánh, bao gồm cả đường Nguyễn Tất Thành mới có khả năng thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Sau một thời gian bị thanh tra phải kéo dài thời  hạn thu phí, UBND thành phố không cho thu phí như hợp đồng BOT quy định nên việc trả nợ ngân hàng trở nên bế tắc.

Một dự án khác là Khu đô thị Thủ Thiêm cũng bị “đọng” vì tình trạng “chờ chính sách”. Ông Thanh cho biết, các ngân hàng cho UBND thành phố vay 800 tỷ đồng thông qua Quỹ đầu tư đô thị với yêu cầu phải có Nghị quyết của HĐND thành phố chấp thuận cho vay vốn.

Để tạo điều kiện thực hiện dự án, trong khi chờ đợi hoàn tất thủ tục, các ngân hàng đã cho vay 200 tỷ đồng, nhưng cho đến nay Nghị quyết của HĐND vẫn chưa có, nên việc cho vay 600 tỷ còn lại không thể thực hiện được.  

Ông Nguyễn Phước Thanh- Giám đốc VCB HCM:

“VCB HCM đã sử dụng hết lượng vốn mà chế độ cho phép dùng đầu tư dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn mà trong đó 80% là cho vay các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị, mở rộng sản xuất của các DN tại TP.Hồ Chí Minh; 20% là dự án cơ sở hạ tầng ở TP.Hồ Chí Minh mua trái phiếu.

Do nhu cầu của các DN từ nay đến 2010 còn rất cao, thì so với mức đầu tư bình quân 1.000 tỷ mỗi năm từ nay đến 2010 của VCB HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nên lượng vốn dành cho cơ sở hạ tầng với thời gian dài từ VCB HCM sẽ là không đáng kể”.

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.