“Trải thảm đưa doanh nghiệp đến... “cửa tử”

Theo đại diện Sở GTVT Đà Nẵng phương án phân luồng dự án Ngã ba Huế chỉ tạm thời nên không thể chia sẻ luồng tuyến với Bến xe phía Nam, dù nhiều lúc gây ách tắc giao thông khu vực nội đô. ẢNH: NGUYỄN HUY
Theo đại diện Sở GTVT Đà Nẵng phương án phân luồng dự án Ngã ba Huế chỉ tạm thời nên không thể chia sẻ luồng tuyến với Bến xe phía Nam, dù nhiều lúc gây ách tắc giao thông khu vực nội đô. ẢNH: NGUYỄN HUY
TP - Như Tiền Phong phản ánh, việc TP Đà Nẵng thay vì phân luồng tuyến Bắc-Nam theo quy hoạch, lại đè gánh nặng lên vai Bến xe phía Nam (BXPN) Đà Nẵng, yêu cầu đơn vị chủ quản - Cty CP Đức Long Đà Nẵng - tự tìm kiếm, vận động doanh nghiệp, HTX vận tải đăng ký hoạt động bến, khiến lối thoát khỏi “cửa tử” càng thêm mong manh.

Khổ như giám đốc bến xe

Mỗi ngày, ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Cty CP Đức Long Đà Nẵng (thuộc Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đều đặn lên BXPN. Thay vì tổ chức nhân sự, quản lý hoạt động điều độ, bố trí xe chạy tuyến, ông Viên tất bật gọi hàng tá cuộc điện thoại, xin gặp từng HTX, doanh nghiệp vận tải để vận động đăng ký về bến.

Quê TP Hồ Chí Minh, ông Viên là một trong những người khởi xướng dự án Bến xe Đức Long Gia Lai, và đảm trách chức vụ giám đốc bến xe này (giai đoạn 2006-2007). Ngày tập đoàn mở rộng mạng lưới hệ thống bến xe tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), ông Viên được tin tưởng, giao chức Giám đốc Bến xe Đức Long Lâm Đồng, sau đó lên giữ chức Chủ tịch HĐQT Đức Long Lâm Đồng, kiêm Giám đốc Cty CP Đức Long Đà Nẵng triển khai dự án, quản lý BXPN Đà Nẵng. Với “kinh nghiệm đầy mình”, ông Viên không ngờ dự án BXPN Đà Nẵng lại lâm thảm cảnh.

Tất bật soạn thảo, gửi hàng tá đơn thư cầu cứu ngành chức năng, địa phương, T.Ư, vị giám đốc này chạy đôn đáo, gõ cửa các đơn vị vận tải, trình phương án “siêu khuyến mãi, hỗ trợ” khi đăng ký khai thác tại bến.

“Trải thảm đưa doanh nghiệp đến... “cửa tử” ảnh 1

Lập 3 bến xe trên cả nước, ông Phạm Xuân Viên không ngờ BXPN Đà Nẵng lại ảm đạm bi đát như thế

Theo ông Viên, mức phí ra vào bến được Đà Nẵng phê duyệt so với Bến xe Trung tâm Đà Nẵng giảm 15% nhưng BXPN chỉ thu 75%; miễn 100% hoa hồng bán vé trong 3 tháng đầu; giảm 50% tiền thuê quầy bán vé trong 1 năm; giảm giá thuê 20% cho các phòng nhà nghỉ tại bến. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn miễn phí đối với các doanh nghiệp có nhu cầu lập phương án tuyến cố định, hỗ trợ mở tuyến; tổ chức bán vé và sửa chữa phương tiện... Nhưng đỏ mắt vẫn không tìm được đơn vị đăng ký khai thác bến.

Ông Viên kể: Tết 2013 và 2014, tôi cùng anh em bỏ Tết “trực chiến” ở bến, tổ chức treo băng rôn, ra tận trạm thu phí Hòa Phước để phát tờ rơi, tổ chức cho các xe khách, xe tải ra vào bến miễn phí. Nhưng tịnh không một bóng xe vào bến.

Ông Viên ngao ngán: Mới có hai đơn vị có “nhã ý”. Là mình cũng đến gõ cửa họ, năn nỉ, thậm chí lo tất cả từ A-Z giúp họ mở tuyến: đăng ký giấy phép kinh doanh, lập phương án vận tải hành khách tuyến cố định bằng ô tô... “Có doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh, tôi phải cạy cục xin xỏ đủ điều để hỗ trợ họ lập lại. Chuyện của họ mà như nhà mình. Bởi không có họ thì lấy đâu ra đơn vị mở tuyến mới”, ông Viên phân trần.

Doanh nghiệp vận tải: Phân tuyến mới chịu về!

Theo khảo sát của BXPN Đà Nẵng với trên 60 doanh nghiệp vận tải, cho thấy phần lớn các đơn vị này đồng thuận chính sách giảm giá, thể lệ vận tải bến; tuy nhiên 70% số đơn vị này yêu cầu chỉ tiến hành khi chính quyền Đà Nẵng phân định luồng tuyến bến Nam, bến Bắc cụ thể. Báo cáo mới đây của BXPN gửi cơ qua chức năng Đà Nẵng nêu rõ: có đến 90% số doanh nghiệp, HTX vận tải được BXPN lấy ý kiến cương quyết không về bến nếu không có chính sách phân luồng tuyến cụ thể.

Chủ một hãng xe chạy tuyến cố định Đà Nẵng - TPHồ Chí Minh cho hay: Bến xe trung tâm Đà Nẵng chưa quá tải về lưu lượng nhưng hầu hết những “giờ đẹp” đăng ký xuất bến đều đã hết. Có hãng chỉ xin được giờ xuất bến lúc 11 giờ đêm, không chọn giờ tốt, phải ra chạy ngoài, dưới hình thức hợp đồng du lịch, dễ dẫn tới vi phạm các quy định vận tải.

Ông Giao Thắng Đề, Chủ nhiệm HTX Vận tải và dịch vụ tổng hợp Cẩm Lệ (Đà Nẵng), cho rằng: HTX chưa đưa xe vào bến để tham gia kinh doanh hành khách, bởi bến xa trung tâm, không có khách. Khi nào Sở GTVT có chính sách quy hoạch, phân luồng tuyến sẽ tham gia.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Cty TNHH vận tải Hồng Hải (khai thác tuyến Đà Nẵng các tỉnh Tây Nguyên), phân tích: Bến được quy hoạch xa. Nếu đăng ký khai thác, đơn vị phải bố trí thêm đội xe trung chuyển 4-5 chiếc (loại 16 chỗ), thêm chi phí tài xế, nhiên liệu, trong khi không thể bù vào giá vé. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng: nếu chỉ 1 vài doanh nghiệp lẻ tẻ ra đăng ký khai thác tại BXPN sẽ khó cạnh tranh nguồn hành khách so với ưu thế từ BX trung tâm Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Cty TNHH Phát Xuân Tùng (Đà Nẵng) cho hay: BXPN có chính sách ưu đãi tốt, cơ sở khang trang, hiện đại, nhưng hạn chế ở xa trung tâm. Nếu có cơ chế riêng, cho các đơn vị khai thác BXPN Đà Nẵng được vào đón trả khách trong nội thị chắc tình hình sẽ khả quan hơn. Để mở tuyến mới tại BXPN vào TP Hồ Chí Minh, anh Tùng bố trí 2 xe trung chuyển, mỗi tháng ước bù thêm chi phí 20 triệu đồng. Theo ông Viên, bến nghĩ tới phương án mở tuyến xe buýt để hỗ trợ đi lại người dân, hành khách, và được Đà Nẵng chủ trương cho khảo sát. Tuy nhiên, với quy định tuyến mới trùng trên 50% so với các tuyến xe buýt cũ đều không được mở, phương án này khó khả thi.

Năm 2040 mới phân luồng tuyến?

Cương quyết giữ quan điểm không phân lại luồng tuyến các đơn vị vận tải đã đăng ký hoạt động tại BX trung tâm Đà Nẵng theo như quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định đã làm đúng luật và căn cứ trên tình hình thực tiễn.

Hiện, Bến xe trung tâm đang hoạt động bình thường, số lượt xe xuất bến mới chỉ đạt khoảng 30% so với năng lực phục vụ của bến xe, không xảy ra tình trạng quá tải trong bến và không làm ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi bến này không còn khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, bến xe trung tâm có diện tích hơn 65.000m2, năng lực khai thác 1.500 lượt xe xuất bến/ngày. Hiện, chỉ sử dụng hơn 50% diện tích, và phục vụ 350 lượt xe/ngày. Với số lượng này, dự kiến có tính tích cực đến năm 2040, bến xe này mới khai thác hết công suất.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.