“Chặn đứng” cuộc đua lãi suất huy động VND, USD:

Trần lãi suất: VND 11%, USD 6%/năm

Trần lãi suất: VND 11%, USD 6%/năm
TP - Cuộc đua tăng lãi suất huy động USD đã được “chặn đứng” bằng thoả thuận của các thành viên Hiệp hội ngân hàng (VNBA) phía Nam sáng 24/3, với việc  thống nhất là mức lãi suất trần huy động USD không quá 6%/năm.

Dường như các thành viên của VNBA đã “thấm đòn” sau cuộc đua lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ) vừa qua và đã chịu “bắt tay” cùng nhau.

“Ra tay” trước NHNN

Theo đánh giá của đại diện các thành viên VNBA dự cuộc họp sáng 24/3 tại TPHCM, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, các thành viên thỏa thuận về lãi suất trần huy động USD.

Nhưng đáng “ghi nhận” hơn là họ đã tự “ghìm” lại trước khi NHNN ra tay. Thỏa thuận này còn phải được các thành viên phía Bắc thông qua để bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 4, nhưng theo lãnh đạo VNBA thì gần như 100% các thành viên sẽ đồng ý vì trong cuộc họp sáng 24/3 có gần đủ các thành viên phía Nam, Bắc.

Trên thực tế các NH thương mại cổ phần phía Nam là người khởi xướng cuộc đua này, vì vậy cũng không có gì bất ngờ khi cuộc họp trên được trông đợi thống nhất lãi suất trần VNĐ 11% như phía Bắc đã thông qua, nhưng rồi lãi suất trần huy động USD lại là vấn đề chính.

Ngày 7/3, NH ACB mở đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động USD bằng việc  tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,8%/năm tới 1,35%/năm so với lãi suất cũ.

Từ đầu tháng 3 đến nay,  nhiều NH cũng  đồng loạt tăng lãi suất huy động vàng.

Southern Bank tăng từ 0,4% - 0,5%, Eximbank cũng đã tăng lãi suất huy động vàng lên đến 0,8%/năm tùy từng kỳ hạn.

HDBank tăng lãi suất tiết kiệm bằng vàng với mức lãi suất dao động từ 2,04%/năm- 2,76%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng đến 24 tháng.ACB tăng lãi suất huy động vàng tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,8 tới 1,45%/năm…

Và đây được xem là mở đầu cho cuộc đua lãi suất vàng tương tự như  VND và USD.

Vài ngày sau, hàng loạt NH như VIB Bank, SHB, Southern Bank, SEABank, Đông Á… lần lượt vào cuộc đã đẩy lãi suất huy động USD lên cao chưa từng thấy với lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 6,47% (SHB), nhưng đến khi SeABank tăng lãi suất huy động USD cho kỳ hạn 13 tháng lên 6,90%/năm thì các thành viên VNBA đã “giật mình”, và lãnh đạo VNBA đã phải “tập hợp” các thành viên bàn việc dừng cuộc đua trước khi quá muộn.

Nguyên nhân của cuộc đua này theo chuyên gia kinh tế Đoàn Ngọc Long là, sau khi đồng USD mất giá, lãi suất thực của VNĐ cao hơn USD nên ngoại tệ bị bán đi ồ ạt để lấy tiền VND gửi tiết kiệm, cho vay.

Ngược lại các doanh nghiệp lại muốn vay USD vì lãi suất thấp hơn, nhất là khi VND khan hiếm khiến nhu cầu vay ngoại tệ tăng đột biến trong 2 tháng qua.

Chưa kể nhiều NH cũng tăng cường vay USD trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng càng làm USD thêm thiếu. Tương tự như cuộc đua lãi suất VND, NH này tăng lãi suất thì NH kia bị rút tiền và buộc tăng bằng hoặc hơn để giữ khách và giữ tiền.

Tổng GĐ một NH cổ phần sau cuộc họp sáng 24/3 thở phào cho biết “nếu các thành viên VNBA không ngồi lại và thống nhất mức 6%/năm thì cuộc đua sẽ khốc liệt và hậu quả sẽ nặng nề hơn”.

Được biết, ngay sau cuộc họp sáng 24/3, VNBA đã ra thông báo với nội dung: Trong các ngày 22/3 tại Hà Nội và 24/3 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có cuộc họp chung với các tổ chức tín dụng thành viên nhằm xem xét một số vấn đề liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua.

Về cơ bản, mặt bằng lãi suất huy động đã khắc phục tình trạng chạy đua tăng lãi suất trong tháng 2 vừa qua. Các ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc công điện của Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng trần lãi suất không vượt quá 12%/năm.

Tình trạng mất cân đối vốn khả dụng của một số tổ chức tín dụng đã được khắc phục; Vốn khả dụng toàn hệ thống ngân hàng sau khi cân đối cho dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước sau ngày 17/3 vừa qua, vẫn còn dư hơn 14.000 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng thành viên đã nhất trí sẽ áp dụng mức trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam ở mức 11%, thay vì mức 12% hiện nay.

Sao chưa giảm lãi suất cho vay?

Sau lãi suất huy động, điều mà nhiều khách hàng vay tiền NH chờ đợi là lãi suất cho vay của cả VND lẫn USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lãi suất cho vay USD đối với khách hàng của các NH thương mại cổ phần từ  6,8%- 9%/năm. GĐ tín dụng một NH tiết lộ nếu tính đúng, thì khách hàng phải vay USD với mức lãi 10% trở lên, NH mới “đảm bảo” cho lãi suất huy động cao như hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế nhận định lãi suất trên là điều không thể chấp nhận được, trong tình hình kinh tế hiện nay và doanh nghiệp sẽ khó đảm bảo có lãi, hoạt động ổn định khi vay với mức trên.

Nhưng nói như Tổng GĐ Cty may An Thắng Trần Huyền Trang thì: “Vay được là mừng rồi đừng có mong NH hạ lãi suất vào lúc này”.

Về phía NH thì họ lại biện hộ do mức dự trữ bắt buộc cao, chi phí lớn, tiền mặt khan hiếm, huy động khó khăn… để cùng nhau thỏa thuận chỉ hạ lãi suất huy động, còn lãi suất vay thì chưa “ngó ngàng” đến.

Để giảm lãi suất cho vay, nhiều thành viên VNBA đã đề nghị NHNN có các biện pháp hỗ trợ như cho vay tái cấp vốn ngoại tệ; điều chỉnh giảm mức dự trữ bắt buộc bằng USD; ban hành quyết định thu hẹp các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ… để có thể giảm lãi suất cho vay bằng USD!?

Không chỉ lãi vay USD mà cả lãi vay VND cũng cần phải giảm tương ứng với lãi suất huy động, để đỡ gánh nặng cho khách hàng, doanh nghiệp.

Những lý do mà các NH đưa ra mới chỉ thấy có lợi cho họ ( giảm lãi huy động) mà thiệt cho khách hàng vì lãi suất 11%/ năm không chỉ giảm, mà chưa chắc đã là lãi suất thực dương như chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó lãi suất như hiện nay còn là “lực hút” đầu tư gián tiếp nước ngoài rất lớn, mà đây là một trong những nguyên nhân gây lạm phát vì VN không “tiêu hóa” kịp lượng ngoại tệ đổ vào.

Hơn nữa sẽ kéo dài tình trạng như một GĐ quỹ đầu tư thừa nhận “hiếm có nơi nào lãi suất cao như VN, đổ USD vào lợi đơn lợi kép”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.