Tranh cãi

Tranh cãi
TP - Liên quan khoản chi phí vượt định mức hơn 516 tỷ đồng, trong đó phần lớn do Petrolimex đã chi hoa hồng cho hệ thống đại lý, Bộ Tài chính khẳng định doanh nghiệp phải tự chịu, còn Bộ Công Thương cho rằng quy định lỗi thời, cần xem xét giúp doanh nghiệp.

> Độc quyền & gian lận
> Không tăng giá xăng dầu

Khoản chi hoa hồng vượt mức quy định cho các đại lý liệu có bắt người tiêu dùng gánh chịu? Ảnh: Hồng Vĩnh
Khoản chi hoa hồng vượt mức quy định cho các đại lý liệu có bắt người tiêu dùng gánh chịu? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tăng lỗ do chi hoa hồng cao

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, cho biết: Kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex (gồm văn phòng Tổng Cty và 42 Cty thành viên) lỗ 1.840 tỷ đồng. Xác định chi phí cố định theo định mức quy định tại Thông tư 234 thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 516 tỷ đồng.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của đơn vị, tổng chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp là 3.028.603.288.720 đồng bao gồm: chi phí bán hàng nội địa toàn Tổng Cty 6 tháng đầu năm 2011 là 2.444.829.067.980 đồng; Thù lao đại lý (chênh lệch giữa giá bán lẻ nhà nước quy định với giá bán cho các tổng đại lý là 583.774.220.740 đồng).

Tổng chi phí kinh doanh tính theo định mức quy định tại Thông tư 234 (xăng, dầu DO, Ko là 600 đồng/lít, Mazut bán buôn là 400 đồng/kg) là 2.512.435.227.108 đồng. Chênh lệch giữa chi phí bán hàng và thực tế phát sinh của Petrolimex so với chi phí định mức quy định tại Thông tư 234 là 516 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó Bộ Tài chính loại bỏ chi phí không đúng quy định hơn 516 tỷ đồng, do một phần Petrolimex trích chi phí hoa hồng cho các tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao, thậm chí có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, diezen, dầu hoả, 400 đồng/lít dầu).

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tài chính, khẳng định: “Nhà nước sẽ không chịu khoản lỗ hơn 516 tỷ đồng trên, người tiêu dùng cũng không phải chịu, doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối lấy, không được hạch toán vào giá bán”.

Theo ông, Nhà nước chỉ tính giá cơ sở theo Nghị định 84, chi phí kinh doanh tối đa với xăng là 600 đồng/lít, 400 đồng/kg dầu, trong đó đã bao gồm cả hoa hồng định mức cho đại lý, phí vận chuyển và sẽ không chấp nhận cộng thêm bất cứ một khoản phát sinh nào ngoài quy định.

Theo Bộ Tài chính, thù lao đại lý do các bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng đại lý. Mức thù lao đại lý bảo đảm cho bên giao và bên nhận đại lý bù đắp đủ chi phí có lợi nhuận hợp lý và làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, khoản chi vượt 516 tỷ đồng của Petrolimex doanh nghiệp phải tự hạch toán, không được tính vào giá bán xăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo Bộ Tài chính, khoản chi vượt 516 tỷ đồng của Petrolimex doanh nghiệp phải tự hạch toán, không được tính vào giá bán xăng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Bộ Công Thương: Đề nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương sáng qua, bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết: Tại cuộc họp của Sở Công Thương TPHCM với các đại lý kinh doanh xăng dầu cuối tuần trước, các đại lý đều kêu chiết khấu bán hàng thấp quá, không chịu đựng nổi.

Mặc dù được thừa nhận là chiết khấu bán hàng của Petrolimex là thấp nhất trong tất cả các đầu mối nhưng việc chúng tôi chi vượt chi phí theo quy định vẫn là câu hỏi lơ lửng trên đầu và tôi cho rằng cần phải giải quyết sớm để đảm bảo hài hòa.

“Các đại lý và tổng đại lý đang ép, nếu không được giải quyết thì việc tự tổ chức kinh doanh trong năm 2012 sẽ rất khó khăn, nhất là khi Petrolimex đã chuyển sang công ty cổ phần. Mong Bộ Công Thương có tác động tích cực với Bộ Tài chính để sớm giải quyết”- Bà Huyền nói.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, 600 đồng/lít là số liệu dùng để tính toán, tính giá cơ sở để bù lỗ cho doanh nghiệp và dùng tính toán để sử dụng trong trích quỹ bình ổn giá.

“Còn 600 đồng/lít tiền hoa hồng không phải là định mức bắt buộc doanh nghiệp phải chấp hành. Bởi vậy không thể có khái niệm đơn vị nào chi vượt hay không chi vượt. Đây là số liệu để tính toán và 2 Bộ (Công Thương và Tài chính) đã thống nhất là quá cũ rồi. Chỉ tiêu tính này ra đời cách đây hơn chục năm và nay chưa kịp sửa đổi để phù hợp thực tiễn. Đây là lỗi của các bộ” - ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, thực tế khi thị trường giá xăng dầu thấp thì các đơn vị cạnh tranh nhau bằng hoa hồng chi cho đại lý và thường các đơn vị lớn chịu thua thiệt hơn so với đơn vị nhỏ. Vừa qua, mới công bố của một đơn vị. Nếu công bố nhiều đơn vị sẽ thấy rõ điều đó ngay. Tính chi vượt định mức thì cần phải tính được đâu là hoa hồng để trừ, không thể lấy chi phí chung
để trừ.

Còn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho biết: Xung quanh câu chuyện kinh doanh xăng dầu của Petrolimex còn có ý kiến khác nhau. Về chiết khấu và thù lao cần phải nói rõ, từ năm 2009 và 2010 trong lúc giá xăng dầu thế giới tăng rất cao, chỉ có Petrolimex và hệ thống của PV Oil cùng một số doanh nghiệp thực hiện đúng, dù giá bán lỗ, thấp hơn giá thế giới. Khi đó rất nhiều đại lý ép doanh nghiệp đầu mối phải tăng hoa hồng mới bán hàng còn không thì đóng cửa hàng. Một số đầu mối thì hạn chế nhập khẩu, nhập không đúng hạn mức được giao.

“Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính vì đã thống nhất định mức này lạc hậu rồi cần thay đổi nhưng đến giờ chưa thay đổi được. Vì vậy không thể căn cứ vào đó để phê phán các doanh nghiệp xăng dầu”- Bộ trưởng Hoàng nói.

Sau đó, ông Hoàng chỉ đạo Thứ trưởng Tú: “Tiếp tục ký công văn gửi Bộ Tài chính nhắc lại điều chỉnh định mức chi phí kinh doanh xăng dầu. Đây là định mức quá cũ rồi. Rõ ràng không hợp lý, đề nghị Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Đề xuất chi phí 870 đồng/lít xăng

Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên tổ điều hành giá xăng dầu trong nước cho biết: Với định mức chi phí kinh doanh xăng dầu quy định ở mức 600 đồng/lít (gồm 18 đầu mục chi phí, trong đó có chi hoa hồng cho đại lý, lương công nhân, hành chính, vận tải, khấu hao tài sản cố định, sửa chữa tài sản cố định...) như hiện nay thì kiểu gì doanh nghiệp cũng bị lỗ, do mức tính toán này đã quá lạc hậu trong khi mọi chi phí đầu vào đều đã tăng, chưa kể yếu tố lạm phát.

Nếu doanh nghiệp chi hoa hồng đại lý khoảng 300 đồng/lít thì đại lý vẫn bị lỗ. 300 đồng còn lại không đủ để trang trải các khoản chi phí khác. Nên cách đây 1 năm Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Bộ Công Thương để tăng định mức kinh doanh lên 870 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, văn bản chưa được ban hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.