Tranh cãi thời gian cho thuê đất ở đặc khu

TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), chiều 22/11 tại Quốc hội, trong khi một số đại biểu lo ngại việc cho thuê đất 99 năm là quá ưu ái, dễ dãi, nhiều người cho rằng, nếu không có cơ chế vượt trội thì khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Miễn thuế nhiều, khác gì cho không đất đai (?)

Đề cập đặc khu kinh tế, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, ở thời điểm này Việt Nam “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”. Do đó, dự luật cần xác định rõ những dự án đầu tư vào đặc khu cần phải tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam. “Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ông Nghĩa nói.

Tranh cãi thời gian cho thuê đất ở đặc khu ảnh 1 ĐB Nguyễn Văn Thân 
Tranh cãi thời gian cho thuê đất ở đặc khu ảnh 2 Trong khi ĐB Trương Trọng Nghĩa lo ngại thời gian cho thuê đất 99 năm là quá dài, ĐB Nguyễn Văn Thân (ảnh trên) cho rằng, quy định như vậy là hợp lý. Ảnh: Như Ý.

Liên quan thời gian cho thuê đất đến 99 năm, trong khi quy định hiện hành là tối đa 70 năm, ông Nghĩa cho rằng chưa hợp lý. Ông Nghĩa dẫn ví dụ, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm. “Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất hay không”, ông Nghĩa nêu câu hỏi và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất. Luật cũng cần quy định dự án thất bại phải quy định trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải thay đổi thủ tục.

“Cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng nước ngoài”, ông Nghĩa kiến nghị. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ về thời hạn cho thuê đất đai lên đến 99 năm và chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp. “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án 70 năm, 90 năm, vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) góp ý.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu, trong đó có ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận lại rằng, những lo ngại nêu trên là không hợp lý. Ông Thân đơn cử lĩnh vực đầu tư vào casino, khi phát triển lĩnh vực này sẽ thu hút được lượng lớn lao động tại địa phương, phát triển dịch vụ “ăn theo” như khách sạn, du lịch... “Làm đầu tư một dự án mà quan niệm “ta chỉ được 2, họ được 8 nên không làm” là tư duy không kinh tế. Cần thay đổi tư duy này và cần đưa ra cơ chế vượt trội, khuyến khích lôi kéo nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Vì nếu ta không làm gì thì đến 2 cũng không bao giờ được”, ông Thân nói. Vị đại biểu đoàn Thái Bình cũng thẳng thắn nói rằng, hiện nay các nước châu Á đang khuyến khích và người ta cũng cho thuê đến gần 100 năm. Họ cũng là đất vàng, chứ đâu phải chỉ chúng ta mới đất vàng. Phải vượt trội mới thu hút được.

Tự chủ là linh hồn của đặc khu

Đề cập mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, nếu theo phương án 1 là không tổ chức HĐND và UBND sẽ có tính vượt trội nhưng lại chưa phù hợp với Hiến pháp. Còn nếu theo phương án 2, tức là vẫn có HĐND, UBND thì lại không tạo ra tính đột phá. Từ những phân tích trên, ông Phong đề nghị vẫn tổ chức theo cấp chính quyền nhưng sẽ xây dựng bộ máy theo hướng tinh gọn.

Tuy nhiên, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, mô hình hoạt động của chính quyền mang tính tự chủ là linh hồn của khu đặc khu. Do vậy, nếu không có các quy định phù hợp, vượt trội thì khó tạo ra sự khác biệt. “Các đặc khu nên trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu đặc khu được Chính phủ phân quyền và thực hiện những quyền hạn trực tiếp được Chính phủ giao”, ông Phước nói.

“Mô hình tổ chức theo hướng không tổ chức HĐND và UBND là yếu tố quan trọng để tạo ra đột phá, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt và nhanh gọn thủ tục cho các nhà đầu tư. Chúng ta cũng đừng lo không có ai giám sát. Bởi chúng ta vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng giám sát. Việc xây dựng đặc khu không chỉ cho Vân Đồn mà là cho cả nước”.

 Đại biểu Quốc hội  Đỗ Thị Lan

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.