Tranh chấp Boeing - Airbus tiếp tục leo thang

Tranh chấp Boeing - Airbus tiếp tục leo thang
Hôm 20/7 vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đồng ý tiến hành một cuộc điều tra chính thức đối với vụ kiện tụng liên quan đến 2 hãng sản xuất máy bay: Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.

Đây là vụ kiện lớn nhất mà WTO từng gặp phải. Trong vụ này, Mỹ và EU buộc tội lẫn nhau về việc trợ cấp bất hợp pháp cho hãng sản xuất máy bay của mình hàng tỷ Đôla trong vòng hơn 3 thập kỷ qua. 

Vụ kiện này được đưa lên WTO sau khi Mỹ đơn phương phá bỏ một hiệp định song phương ký với EU vào năm 1992 về việc thiết lập các hạn chế đối với trợ cấp chính phủ cho sản xuất máy bay. Những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận khác giữa hai bên cuối cùng cũng đã thất bại vào tháng 5 vừa qua.

Phía Mỹ cho biết họ vẫn sẵn sàng để tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận mới, nhưng khẳng định rằng mục tiêu của thoả thuận này là EU phải chấm dứt trợ cấp cho Airbus, chứ không đơn thuần là giảm các khoản trợ cấp đó.

Trong khi đó, EU cho rằng phía Mỹ chẳng hề có một bước tiến nào, rằng mặc dù họ yêu cầu EU chấm dứt trợ cấp cho Airbus nhưng lại không hề đưa ra bất kỳ một cam kết tương tự nào đối với Boeing.

Theo phía Mỹ, Airbus, hiện là hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, đã nhận được 15 tỷ Đôla trợ cấp từ Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha kể từ khi hãng này được thành lập vào năm 1970 và việc trợ cấp này là đi ngược lại những quy tắc của WTO.

Loại máy bay Airbus A380 tiến hành chuyến bay đầu tiên vào tháng 4 năm nay đã nhận được khoản vay trợ cấp trị giá 3,7 tỷ Đôla. Hãng này cũng đã đề nghị vay tiếp một khoản 1,7 tỷ Đôla cho máy bay A350 của mình với tham vọng cạnh tranh với loại máy bay 787 Dreamliner của Boeing .

Trong khi đó phía EU đưa ra những lập luận của mình dựa trên những lợi ích mà hãng Boeing thu được từ các hợp đồng nghiên cứu và phát triển với Bộ Quốc phòng Mỹ và NASA.

EU cho rằng tính từ năm 1992 đến nay các khoản trợ cấp mà Mỹ dành cho Boeing đã đạt mức 23 tỷ Đôla và thậm chí còn nhiều hơn nếu tính cả những khoản thuế được miễn và các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương nơi hãng này đặt nhà máy sản xuất.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ tranh chấp này sẽ được giải quyết bên ngoài WTO, vì khả năng lớn nhất có thể xảy ra là hai bên sẽ cùng bị WTO kết luận vi phạm các quy tắc quốc tế về trợ cấp, dẫn đến các khoản thiệt hại khổng lồ hàng tỷ Đôla cho cả hai.

MỚI - NÓNG