Tránh hủy hoại môi trường khi phát triển du lịch

Tránh hủy hoại môi trường khi phát triển du lịch
TP - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời phỏng vấn Tiền Phong về vị thế của ngành du lịch nhân sự kiện Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) chính thức khai mạc ngày 9/1 tại Hà Nội.
Tránh hủy hoại môi trường khi phát triển du lịch ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh

Xin Bộ trưởng cho biết tổng doanh thu của ngành du lịch Việt Nam hiện chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của cả nước?

Theo cách tính của Việt Nam, năm 2006, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 51.000 tỷ đồng, năm 2007 đạt 56.000 tỷ đồng và năm 2008 ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Nếu so với GDP của cả nước thì tổng doanh thu của ngành du lịch chiếm gần 5%. Ngành du lịch Việt Nam được xếp trong nhóm ngành dịch vụ và đứng đầu doanh thu ngoại tệ về xuất khẩu dịch vụ.

Ngoài gói kích cầu, theo Bộ trưởng, ngành du lịch cần thực hiện những biện pháp nào khác để khôi phục nhịp độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam?

Trước hết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo việc đi lại của du khách nhanh chóng, thuận lợi. Chỉ tính riêng công suất sân bay quốc tế ở Bangkok (Thái Lan), Kuala Lampur (Malaysia) và Singapore đã gấp 4-5 lần công suất của các sân bay Việt Nam.

Trên cơ sở chính sách đối ngoại của Nhà nước, cần định hướng đúng thị trường trọng điểm, chẳng hạn Indonesia xác định 10 thị trường trọng điểm.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cần xác định đối tượng khách cụ thể, đặc biệt là đối tượng có khả năng chi trả cao. Tăng trưởng về số lượng quan trọng, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng như kéo dài thời gian lưu trú, tăng nguồn thu từ mỗi du khách.

Nếu là khách du lịch, điều gì Bộ trưởng ấn tượng và ái ngại nhất?

Đến Việt Nam, du khách quốc tế rất thích vẻ đẹp nguyên sơ, đa dạng sinh học của cảnh quan thiên nhiên; đất nước thanh bình, con người thân thiện, ẩm thực hấp dẫn.

Tuy nhiên, điều không hài lòng là tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo du khách tại một số nơi; chất lượng dịch vụ tại một số cơ sở du lịch chưa tốt, sản phẩm du lịch chưa phong phú, thủ tục hành chính chưa thuận lợi...

Tránh hủy hoại môi trường khi phát triển du lịch ảnh 2
Du khách bình chọn công ty lữ hành, khách sạn tốt nhất. 
Ảnh: Lê Nguyễn MInh Duy

Trong điều kiện hiện nay, khi các yếu tố phát triển bền vững chưa hội đủ, việc khai thác tiềm  năng du lịch của đất nước cần được tính toán kỹ hơn, tránh lặp lại những sai sót mà nhiều nước đã phải trả giá về hủy hoại môi trường tự nhiên, gây nên những hệ lụy tệ nạn xã hội trong quá trình khai thác du lịch.

Điều Bộ trưởng trăn trở nhất cho ngành du lịch Việt Nam mà chưa thể thực hiện được trong tương lai gần?

Đó là chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tuy nghèo về tiềm năng (như Singapore, Las Vegas ở Mỹ), nhưng với nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc.

Nhân lực du lịch, ngoài chuyên môn và ngoại ngữ, còn phải có ý tưởng sáng tạo những sản phẩm phù hợp với nhu cầu du lịch... Nâng cao nhận thức, văn hóa và văn minh trong giao tiếp, ứng xử của xã hội cũng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch.

* Theo chiến lược của Indonesia, sẽ đưa doanh thu từ một du khách/ngày từ 957 USD lên 1.200 USD và kéo dài thời gian lưu trú của khách từ 7 ngày lên 10 – 14 ngày.

* Ngành du lịch Malaysia đón hơn 20 triệu lượt khách nước ngoài năm 2008, chiếm khoảng 30% GDP của cả nước. Du lịch Thái Lan hiện chiếm hơn 6,5% GDP, nhưng là ngành công nghiệp có doanh thu cao nhất.

Trí Đường thực hiện

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.