Trao đổi thương mại Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 70 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho tại kỳ họp lần thứ 15. ( Ảnh: L.A).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho tại kỳ họp lần thứ 15. ( Ảnh: L.A).
TPO - Ngày 22/9, kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc đã diễn ra tại Bộ Kế Hoạch và Đầu tư với sự tham dự của khoảng 50 đại biểu và do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Thế Phương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho đồng chủ trì.

Mục tiêu của kỳ họp lần này là nhằm rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ kỳ hợp trước, đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. 

Cụ thể, hai bên đã trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động, môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính- ngân hàng… và tham gia của hai nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

Về hợp tác phát triển, Việt Nam là đối tác hàng đầu được Hàn Quốc cung cấp ODA, gồm viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi. Đối với viện trợ không hoàn lại, từ năm 1993 đến nay, Hàn Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 200 triệu USD. Hiện nay, hai bên đang đàm phán để ký kết Hiệp định tín dụng khung cho giai đoạn 2016-2020 với quy mô dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD.

Về hợp tác đầu tư, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính tới nay, Hàn Quốc có khoảng 5500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 50 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 19 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư là 14,4 triệu USD.

Về hợp tác thương mại, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương năm 2015 và có mục tiêu phấn đấu đạt trao đổi thương mại 70 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2015, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ( sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với tổng kim ngạch giữa hai nước đạt 36,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 8,9 tỷ USD ( bằng 5,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu của Việt Nam là 27,6 tỷ USD ( bằng 16,7% tổng nhập khẩu của Việt Nam).

Về hợp tác lao động, đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giúp hai nước giải quyết khó khăn của nhau. Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Tới nay, Việt Nam đã đưa sang Hàn Quốc khoảng 54.000 lao động. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động người Việt.

Ngoài ra,  tại kỳ họp này, hai nước cũng trao đổi về các hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, xây dựng, phát triển hạ tầng, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, lãnh sự, tư pháp…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.