Trầy trật tăng tín dụng

Không cho vay được, tín dụng ngân hàng tăng trưởng rất thấp. Ảnh: Như Ý
Không cho vay được, tín dụng ngân hàng tăng trưởng rất thấp. Ảnh: Như Ý
TP - Tính đến ngày 26/4/2014 tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 0,93% so với đầu năm. Như vậy, sau gần 4 tháng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt 1%. Chưa có năm nào mà việc rót vốn ra cho nền kinh tế khó như năm nay. Điều này đang làm dấy lên lo ngại trong toàn hệ thống ngân hàng.

Bi quan và ảm đạm

Trong câu chuyện với PV Tiền Phong vào một buổi gặp tình cờ, trưởng bộ phận tín dụng của một ngân hàng (NH) lớn không giấu được vẻ mệt mỏi trông thấy rõ. Vị này cho biết đã 4 tháng nay, ông cùng toàn bộ các phòng ban của khối tín dụng gần như không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và làm nhiều đến mức phát ốm.

“Chưa năm nào tín dụng thảm như năm nay, chúng tôi phải “quăng” mình ra khắp các mặt trận cũng như áp tải từng chi nhánh, lo đốc thúc việc tăng trưởng tín dụng. Dòng vốn không ra được vì không có doanh nghiệp tốt để cho vay; khách hàng cũ thì lo sắp xếp cơ cấu lại nợ; lãi suất thì vừa huy động 8% vẫn còn đang trong chu kỳ trả lãi 6 tháng lại tiếp tục hạ lãi vay. Khoảng cách giữa đầu vào đầu ra nhiều khi sân siu gần bằng nhau trong khi muốn đủ trang trải chi phí và tích luỹ ít nhất phải 2,5%- 3%; Thử hỏi làm như thế thì NH làm gì có lợi nhuận. Lấy đâu ra khoản chênh lệch mà nuôi cả một bộ máy”- Ông chán nản nói.

Ngồi ngay tại phòng làm việc, vẻ mặt không kém phần bi quan, giám đốc chi nhánh cấp 1 thuộc NHTM Agribank cũng bày tỏ sự quan ngại về áp lực kinh doanh đang đè lên chi nhánh. Theo ông, tình hình hoạt động của NH từ đầu năm đến nay khá oải. “Chỉ tiêu trên giao để lo nguồn đã là một áp lực. Chưa kể, với khách hàng doanh nghiệp muốn vay, chúng tôi rất mong nhưng cũng phải rất thận trọng. Cứ bảo có khách hàng vay lớn là mừng nhưng phải nhìn vào trích lập dự phòng mới thấy, nhiều khi một khoản vay bất ngờ phát sinh rủi ro, chỉ cần biến thành nợ khó đòi, lập tức khoản vay đó sẽ “ăn” hết lãi còi cả năm của chi nhánh”.

Trao đổi với PV, lãnh đạo một số NH cho biết, tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm, chủ yếu do nhu cầu vay vốn của DN ở mức thấp do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, hàng tồn kho tăng, DN không có đầu ra. Nhất là tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa DN và NH khiến nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn… “Bản thân các NHTM thời gian qua đã cố gắng cân đối cung - cầu để đưa ra mức lãi suất tốt nhất cho DN nhưng vì vấp phải lực cầu từ phía DN yếu nên rất khó đẩy tín dụng”, một vị lãnh đạo NHTMCP tại Hà Nội than thở. Còn Tổng giám đốc một NHTMCP khác thì không giấu giếm nói thẳng với PV: “Chúng tôi chỉ vừa thoát âm tăng trưởng tín dụng vào đúng tháng 4 vừa rồi. Đó là điều trước nay chưa hề xảy ra”.

Muốn cho vay lắm chứ

“NH khao khát cho vay lắm chứ. Vì 70 - 80% thu nhập của chúng tôi từ lãi vay. Dĩ nhiên NH phải đau đáu tìm giải pháp để đẩy tín dụng mới có doanh thu, lợi nhuận và chia cổ tức cho các cổ đông”, một lãnh đạo ngân hàng bày tỏ. Thế thì vì sao mà tín dụng vẫn âm đến vậy?

Lãnh đạo NHTMCP có thị phần lớn lý giải: Có một thực tế là các NH đang tranh giành nhau DN tốt. Nên giờ tìm được đối tượng khách hàng trên, NH này sẵn sàng cho vay ngắn hạn lãi suất 7%/năm hoặc có những đối tượng khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên có thể vay lãi suất thấp hơn, kèm theo đó có thể nhiều chính sách hậu mãi khác. “Nhưng giờ đúng là đốt đuốc đi tìm DN tốt để cho vay. Có những gói tín dụng lãi suất thấp của NH đưa ra không có khách để cho vay”, vị này chia sẻ.

Nhưng cũng có ý kiến DN cho rằng họ cần mặt bằng lãi suất thấp hơn nữa mới tồn tại được. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho rằng, so với các nước trong khu vực, các DN FDI họ vay chỉ 2-3%/năm. Còn DN nội vay 10-12%/năm thì không thể cạnh tranh được. Dù NH đã giảm nhưng DN đang cần lãi suất cho vay tốt hơn, có thể điều chỉnh giảm xuống ít nhất 1 – 2%/năm. Theo ông Lý các NHTM cân đối chỉ cần để mức lãi biên 2% là đủ. Vì quan trọng nhất trong kinh doanh tiền tệ là doanh số, tỷ suất quay vòng vốn.

Không đồng tình quan điểm này, lãnh đạo NH trên cho rằng, lãi biên tín dụng còn phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của DN. “Đối với NH chúng tôi, đã qua cái thời lấy lượng làm mục tiêu phấn đấu rồi, giờ phải là chất. Không tốt mà vẫn cố cho vay. Mất tiền ai chịu trách nhiệm”, vị này bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo một DN khác cũng khẳng định lãi suất bao nhiêu không phải là vấn đề chính. “Quan trọng là DN có tìm thấy cơ hội làm ăn và đảm bảo khả năng trả lãi cho NH hay không. Hiện, DN này vẫn chưa nghĩ đến chuyện vay vốn do hàng tồn kho vẫn còn, đầu ra ách tắc. Đây cũng là tình trạng chung của khá nhiều DN thời điểm này. Cho nên dù ngân hàng có cố gắng hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN… nhưng các NH không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp” - Vị này cho biết.

Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm về tín dụng không phải đến từ tất cả. Trong khi nhiều tăng trưởng tín dụng của một số NHTM lớn lại rất khả quan. Đơn cử như tại NHTM Vietcombank trong công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2014, tại thời điểm 31/3 đạt tín dụng tăng trưởng 1,76% với dư nợ cho vay khách hàng đạt 279.149 tỷ đồng… Về lý do tín dụng tăng, ông Nghiêm Xuân Thành Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: Từ cuối năm 2013 Vietcombank đã lo tập trung vào cho vay khối DNNN có dự án tốt, có thế mạnh trong sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ trong thời gian tới để tăng tính cạnh tranh với các NHTM khác.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.