Trên 1 triệu đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Trên 1 triệu đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính đang soạn thảo dự luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế cho pháp lệnh thuế thu nhập cao (PLTTNC). Dự thảo Luật thuế TNCN ra sao?
Trên 1 triệu đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ảnh 1

Với Luật thuế TNCN, thuế đánh vào thu nhập của cá nhân, do vậy mọi người có thu nhập đều thuộc diện chịu thuế.

Trong biểu thuế lũy tiến từng phần của dự thảo Luật thuế TNCN, người có tổng thu nhập chịu thuế trong năm từ 0 đến 60 triệu đồng đã phải chịu thuế với thuế suất 5%...

Tuy nhiên, do đánh thuế trên tất cả thu nhập, nên luật có cho chiết trừ gia cảnh. Trong đó, người nộp thuế được chiết giảm cho bản thân theo hai phương án: 12 triệu hoặc 20 triệu đồng/năm; trường hợp có nuôi vợ, chồng hoặc con thì được trừ thêm 3,6 triệu đồng/năm (300.000 đồng/tháng); nuôi dưỡng cha mẹ... được trừ 6 triệu đồng/năm (500.000 đồng/tháng), nuôi trẻ em dưới 18 tuổi trừ thêm 3,6 triệu đồng/người/năm (300.000 đồng/tháng).

Với qui định như trong dự thảo Luật thuế TNCN (lần 7) thì người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng đã phải chịu thuế. Ví dụ, ông A độc thân, có thu nhập 12,5 triệu đồng/năm (đã loại trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế)... Sau khi chiết trừ gia cảnh cho bản thân là 12 triệu đồng/năm (theo qui định), còn lại 500.000 đồng là thu nhập chịu thuế và ông A phải nộp thuế theo thuế suất là 5% (tương đương 25.000 đồng). Với PLTTNC, trường hợp ông A không phải đóng thuế.

Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho các thu nhập của cá nhân, gồm: tiền lương, tiền công, kinh doanh, tiền lãi cho vay, lợi tức từ cổ phần và góp vốn, từ các hình thức góp vốn kinh doanh khác. Cũng theo dự thảo thì hộ kinh doanh cá thể cũng thuộc diện nộp thuế TNCN thay cho nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng.

Ngoài ra, còn có hàng loạt thu nhập khác cũng thuộc diện phải chịu thuế theo thuế suất nhất định: từ chuyển nhượng vốn (5%), từ bán chứng khoán, giấy chứng nhận các hình thức đầu tư vốn khác (0,5%); từ di sản thừa kế tại VN (10%); từ quà tặng (10%); từ trúng thưởng xổ số, khuyến mãi, trò chơi có thưởng, cá cược (10%); từ chịu thuế chuyển nhượng bất động sản, có hai trường hợp: thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản trừ đi các chi phí có liên quan (phương án 1 là 28%, phương án 2 là 25%), trường hợp thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản (đất nông nghiệp là 2%, đất khác là 4%).

Theo các chuyên gia, với dự thảo Luật thuế TNCN, nhiều người có thu nhập thấp, đa số là những người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, hiện không phải chịu thuế TNCN, tới đây sẽ phải nộp thuế. Trong khi đó, sẽ dễ chịu hơn với những người có thu nhập cao. Nếu một cá nhân độc thân có thu nhập 100 triệu đồng/tháng, số thuế phải nộp theo PLTTNC là 31,5 triệu đồng, còn theo dự luật thuế TNCN thì số thuế phải nộp giảm xuống còn 23,45 triệu đồng.

Chúng tôi xin đưa ra hai trường hợp minh họa cho biểu thuế dự kiến:

- Trường hợp 1: một người độc thân (không phải nuôi dưỡng ai) làm việc cho một tổ chức có thu nhập 13 triệu đồng/năm (1,08 triệu đồng/tháng). Trừ số tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (6%=780.000 đồng) + 12 triệu đồng/năm (khoản chiết giảm cho bản thân cá nhân người nộp thuế), thu nhập còn lại phải chịu thuế là 220.000 đồng. Vậy số tiền thuế anh ta phải đóng là: 220.000 đồng x 5%=11.000 đồng.

- Trường hợp 2: một người có thu nhập 350 triệu đồng/năm. Theo gia cảnh của người này, anh ta sẽ được trừ 12 triệu đồng/năm (khoản chiết giảm cho cá nhân người nộp thuế) + 3,6 triệu đồng (do anh ta đã có vợ) + 6 triệu đồng (phải nuôi dưỡng mẹ già) + 21 triệu đồng (tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Số tiền phải chịu thuế còn lại 307,4 triệu đồng. Theo biểu thuế dự kiến, anh ta sẽ phải đóng:

+ Ở ngưỡng 0-60 triệu đồng: đóng 5%=3 triệu đồng.

+ Ở ngưỡng trên 60-180 triệu đồng: đóng 10%= 12 triệu đồng.

+ Ở ngưỡng trên 180-540 triệu đồng: đóng 20%= 25,5 triệu đồng.

Như vậy, tổng cộng số tiền thuế người này phải đóng là 40,5 triệu đồng.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG