EWEC sau hơn một năm thông cầu Hữu Nghị 2:

Trên chuyến tàu thịnh vượng...

Trên chuyến tàu thịnh vượng...
TP - Cuối tháng 12/2007, tại cây cầu Hữu Nghị 2 trên sông Mê Kông đã diễn ra Tuần lễ hội Du lịch-Thương mại-Văn hóa nhằm kỷ niệm tròn một năm cây cầu này được đưa vào sử dụng, chính thức khai thông tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).
Trên chuyến tàu thịnh vượng... ảnh 1
Hữu Nghị 2 - Chiếc cầu làm nên sự huyền diệu của khái niệm trên EWEC “Một ngày ăn cơm ba nước” (sáng điểm tâm ở Thái Lan, trưa ăn xôi ở Lào, tối ăn cơm tại Việt Nam)  Ảnh: H.T

Tại đây, một lần nữa, quan chức Chính phủ ba nước Thái Lan, Lào, Việt Nam tuyên bố quyết tâm đưa EWEC vào một giai đoạn phát triển mới-chuyển từ kết nối giao thông sang cộng đồng phát triển thịnh vượng.

Chọn đường xa, bỏ đường gần

Xin được nhắc lại chuyện cách đây 2 năm. Năm 2006, Savanakhet (Lào) vận chuyển “ngược” lên Bangkok (Thái Lan) gần 400 ngàn tấn hàng để xuất khẩu qua đường cảng biển. Họ phải vượt quãng đường dài 640 cây số, lúc ấy chưa có cầu Hữu Nghị 2, nên buộc phải vận chuyển bằng đường phà.

Chặng đường đó dài gấp đôi so với xuôi đường 9 về Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo rồi ra các cảng biển miền Trung Việt Nam. Vậy mà các doanh nhân vẫn lựa chọn... đường xa, bởi lý do “đơn giản” chi phí chỉ bằng một nửa so với đường gần.

Những doanh nhân này bày tỏ, chi phí chính thức và phi chính thức ở các cửa khẩu, cảng, lưu thông trên đường... ở Việt Nam đều rất cao nên dù đường gần mà vẫn không lãi bằng đi đường xa lên Bangkok. Và buồn thay, thông tin “cũ rích” đó vẫn tiếp tục... thời sự!

Ngày 25/12/2007 tại Savanakhet, trước đông đảo quan chức ba nước thành viên EWEC (Thái Lan, Lào, Việt Nam), Bộ Kinh tế-Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản đã công bố một phần trong Dự án khảo sát thực hành các tuyến đường bộ khu vực Mê Kông 2007.

Theo đó, kết quả vận tải một xe hàng hóa từ Bangkok đi TP. Hồ Chí Minh qua các cửa khẩu đường bộ trên EWEC vào tháng 10/2007 mất 87 giờ 45 phút, trong đó thời gian chạy xe thực tế là 38 giờ, thời gian làm thủ tục hải quan (kể cả chuyển hàng) là 6 giờ 45 phút.

Một chuyến vận tải hàng hóa khác với cung đường như trên mất đến 90 giờ, trong đó thời gian chạy xe thực tế là 39 giờ 30 phút, thời gian làm thủ tục hải quan là 9 giờ. Tương tự, một chuyến vận tải hàng từ Bangkok đến Hà Nội trên EWEC mất 79 giờ 30 phút, trong đó thời gian thực tế chạy xe là 35 giờ 45 phút, thời gian làm thủ tục hải quan là 9 giờ.

Những người làm thực hành kiểm tra chỉ công bố con số mà không cần bình luận. Bởi không một cử tọa nào không thấy bàng hoàng trước những con số “rùa bò” nói trên.

Cải cách việc... cải cách!  

Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiêm Trưởng Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo, ngày 14/2, đã không ghìm được nỗi sốt ruột với Tiền phong: “Chúng ta đã làm được rất nhiều việc trên EWEC, đặc biệt là những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người và hàng hóa qua cửa khẩu  đường bộ Lao Bảo. Song vẫn còn quá nhiều việc phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, triệt để hơn. Nếu không, chúng ta sẽ tự đánh mất vô vàn cơ hội trên EWEC”.

Trong 3-4 năm lại đây đã có nhiều hành động cụ thể để triển khai những biện pháp nhằm đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Thế nhưng du khách vẫn tiếp tục phàn nàn?

Hôm 15/2, trao đổi với Tiền phong, Tiến sĩ Lê Văn Tới-Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị bức xúc: “Tôi xin ví dụ một việc, tờ khai phương tiện vận tải qua cửa khẩu hiện tại có 35 tiêu chí phải khai, trong đó có nhiều tiêu chí trùng lặp, không cần thiết nên làm mất nhiều thời gian của chủ phương tiện.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị cải cách việc này theo hai hướng, hoặc là phải giảm tiêu chí trong tờ khai xuống còn 9 tiểu mục, hoặc cải cách triệt để hơn nữa thì bỏ luôn tờ khai này và đưa những thông tin cần thiết vào luôn trong Giấy phép liên vận do ngành giao thông vận tải cấp. Đáng tiếc, những kiến nghị cải cách đó không hề được phản hồi, tiếp thu. Nên mới đây tôi lại tiếp tục phát văn bản đề nghị”.

Hiện ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo  vẫn tồn tại nhiều loại lệ phí do 5 cơ quan thu bằng những thao tác rất thủ công (biên lai viết tay). Đây chính là nơi làm mất rất nhiều thời gian của chủ hàng, chủ phương tiện và hành khách.

Trong nhiều năm qua đã liên tục có kiến nghị đổi mới cách thu lệ phí, cụ thể chỉ tập trung việc thu lệ phí vào hai cơ quan là Hải quan và Biên phòng nhằm tiết kiệm thời gian và phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực.

Hải quan Quảng Trị cũng đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính cho phát hành tem thu các loại lệ phí tại cửa khẩu có mệnh giá tương ứng với các mức thu lệ phí của các ngành ở cửa khẩu. Thế nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Rõ ràng, chuyến tàu mơ ước EWEC cuối cùng cũng sẽ đến ga cuối mang tên Thịnh Vượng, song những tiếng hụ còi không ngớt vang lên lên đòi hỏi mỗi chúng ta cần đổi mới, cải cách thực chất nhiều hơn nữa...

MỚI - NÓNG