Triển khai BHYT học sinh, sinh viên và vai trò của nhà trường

BHYT HSSV không chỉ giúp gia đình bớt gánh nặng tài chính khi không may các em ốm đau, còn giúp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn.
BHYT HSSV không chỉ giúp gia đình bớt gánh nặng tài chính khi không may các em ốm đau, còn giúp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn.
TP - Để triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) đạt mục tiêu bao phủ 100%, pháp luật hiện hành đã gắn chặt vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong thực hiện chính sách nhân văn này. 

BHYT quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe HSSV là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội, một những nội dung quan trọng trong của Đảng và Nhà nước. Chính sách BHYT với HSSV, qua thực tế triển khai đã chứng minh sự cần thiết, là giải pháp hữu hiệu chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu với thế hệ trẻ. Trong đó, ngành giáo dục, đào tạo, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt.   

BHYT bắt buộc với HSSV được triển khai từ năm 2010. Trong đó, Luật BHYT đều quy định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Đồng thời, các cơ sở giáo dục được giao trách nhiệm lập danh sách, thu tiền của HSSV tham gia BHYT nộp vào Quỹ BHYT, và được để lại 5% tổng số thu BHYT để đầu tư phát triển y tế học đường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm, từ 200 tỷ đồng (năm 2010) lên 600 tỷ đồng (những ngăm gần đây). Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị y tế lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi lần điều trị, như các trường hợp điều trị bệnh hiểm nghèo, phẫu thuật tim mạch...

Để thực hiện vai trò của mình, hàng năm, trước thềm năm học mới  Bộ GD&ĐT đêu có văn bản chỉ đạo tới toàn ngành giáo dục, từng trường học triển khai BHYT HSSV. Trong đó bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện y tế học đường.

Các đơn vị trong ngành giáo dục được yêu cầu tăng cường tuyên truyền về BHYT tới HSSV, phụ huynh, đảm bảo 100% HSSV tham gia; Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác y tế học đường; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý kịp thời các trường hợp  phát sinh, vướng mắc...

Linh hoạt triển khai BHYT học sinh, sinh viên

Để công tác triển khai BHYT HSSV đạt hiệu quả, nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT HSSV, cấp kinh phí y tế học đường. Phương thức thu chia thành nhiều đợt cũng được nhiều BHXH tỉnh thành linh hoạt triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại trong năm tài chính, giúp giảm sức ép các khoản phải đóng góp đầu năm học cho phụ huynh, HSSV. 

Thực tế, có một số trường thu nhiều khoản đóng góp, ngoài khoản thu có tính bắt buộc như BHYT, còn có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết với việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và chăm sóc sức khỏe cho con em mình. Dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất của chính sách  BHYT; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Cách làm như vậy dễ dẫn đến những nhận thức không đúng bản chất, không toàn diện của phụ huynh và đặc biệt là các em HSSV về BHYT. 

Khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT các địa phương, tham mưu cho UBND các địa phương ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục; quán triệt thực hiện nghiêm túc BHYT HSSV; nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu BHYT, y tế học đường theo đúng quy định, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh HSSV về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được luật hóa.

Để phát triển BHYT HSSV nói riêng, cũng như BHYT nói chung một cách bền vững, BHXH Việt Nam xác định công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, phù hợp, hiệu quả với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, trong công tác phát triển BHYT HSSV, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT các địa phương quán triệt nhận thức, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật tới từng trường. Các trường có hình thức tác động trực tiếp tới phụ huynh HSSV qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tạo sự thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BHYT HSSV.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT luôn tăng dần qua các năm. Cụ thể,  năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012 - 2013 con số này đạt khoảng 80%, năm học 2013 - 2014 đạt 85%; năm học 2014 - 2015 đạt 88,5%; năm học 2015 - 2016 đạt 90,5%; năm học 2016 - 2017 đạt 92,5%; năm học 2017 - 2018 đạt 93,5% (tương ứng khoảng 16,5 triệu HSSV).

MỚI - NÓNG