Triên khai đồng bộ các giải pháp giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội

BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để giảm nợ, thu hồi tiền nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động.
BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để giảm nợ, thu hồi tiền nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Cùng với mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH là thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nhiều doanh nghiệp trốn, nợ BHXH

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp nhân dân, và nỗ lực của ngành BHXH, chính sách BHXH đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng; số người thụ hưởng và số chi trả các chế độ BHXH, BHYT ngày càng tăng… Những kết quả này góp phần ổn định cuộc sống NLĐ, chia sẻ khó khăn với người dân không may gặp rủi ro, bệnh tật trong cuộc sống. Đồng thời, kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. 

Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT gây nhiều bức xúc trong NLĐ, dư luận xã hội, cần các cơ quan, hệ thống chính trị vào cuộc. Tình trạng này phát sinh ngay từ khi hệ thống Quỹ BHXH được thành lập vào năm 1995. Đặc biệt, mỗi giai đoạn kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã cố tình cắt giảm nhiều quyền lợi chính đáng của NLĐ, trong đó có lợi ích về BHXH, BHYT. Thậm chí, có những doanh nghiệp giải thể, phá sản, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng góp BHXH cho NLĐ. Đặc biệt, một số năm gần đây, tại một số doanh nghiệp có vấn đầu tư nước ngoài, NLĐ phải đối mặt với tình trạng nợ lương, nợ BHXH không thể giải quyết do doanh nghiệp đóng cửa, chủ bỏ trốn.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cuối năm 2015, số nợ BHXH lên tới 9.920 tỷ đồng (bằng 4,88% số phải thu), tới cuối năm 2016 số này giảm còn 7.435 tỷ đồng. Đặc biệt, đến cuối năm 2018, khi ngành BHXH thực hiện nhiều giải pháp, số nợ BHXH đã giảm còn 5.715 tỷ đồng (tương đương 1,7% số phải thu). Đây là mức nợ thấp nhất từ trước đến nay. Dù vậy, số nợ BHXH trên vẫn ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm ngàn NLĐ. 

Trọng tâm chống trốn, nợ BHXH

Bên cạnh nhiệm vụ mở rộng bao phủ BHXH, BHYT, nhiều năm qua BHXH Việt Nam đã luôn xem việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu đó, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp, như: Giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản địa bàn, doanh nghiệp; thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ sử dụng lao động nộp đúng, đủ, kịp thời BHXH; tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện và xử phạt sai phạm, thu hồi số nợ; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định; ban hành nhiều quy định, quy trình quản lý thu và xử lý nợ BHXH...

Trong đó, qua thanh tra chuyên ngành đã góp phần quan trọng thu hồi, xử lý nợ BHXH. Cụ thể, từ năm 2016 tới tháng 4/2019, BHXH Việt Nam đã thanh tra chuyên ngành đóng tại 15.059 đơn vị, ra 1.501 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền đã thu hơn 14,5 tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, hiện tình trạng nợ BHXH xảy ra ở tất cả các tỉnh thành, tại tất cả thành phần kinh tế (chủ yếu khối doanh nghiệp tư nhân). Thực tế, có không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cùng đó, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bổ trốn, mất tích dù mất khả năng thanh toán nợ, nhưng chưa có chính sách giải quyết, nên số nợ BHXH vẫn được ghi trên sổ sách. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính các vi phạm thấp, còn công tác khởi kiện, hay xử lý hình sự các hành vi trốn đóng, nợ đóng, chiếm dụng BHXH, BHYT theo Bộ Luật hình sự chưa có hướng dẫn đầy đủ, thực tế triển khai còn vướng mắc...

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục giảm số nợ BHXH năm 2019, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế; hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu. Hàng tháng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát kiểm tra số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành làm việc, lập biên bản thanh kiểm tra để doanh nghiệp tham gia đầy đủ BHXH cho NLĐ. 

Đặc biệt, hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung của ngành BHXH sẽ tự động cảnh báo các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng để cơ quan BHXH tiến hành thanh, kiểm tra chuyên ngành nhằm đôn đốc thu hồi nợ. Ngoài ra, cơ quan BHXH còn công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện tốt việc bàn giao sổ cho NLĐ để họ kịp thời nắm được việc tham gia và tiến độ đóng BHXH, từ đó chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động trong trường hợp có vi phạm...

BHXH Việt Nam đang tích cực tham gia ý kiến để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hoàn thiện Nghị quyết hướng dẫn quy trình khởi kiện đối với đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT theo quy định tại các Ðiều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự.

Theo BHXH Việt Nam, hết tháng 12/2018, cả nước có 23.784 doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… không còn khả năng giao dịch, với tổng số tiền hơn 2.902 tỷ đồng với 76.253 lao động bị ảnh hưởng. 
 
Về thanh kiểm tra chuyên ngành, năm 2016, Thanh tra BHXH Việt Nam đã thanh tra đóng tại 1.135 đơn vị; năm 2017 thanh tra tại 4.006 đơn vị; năm 2018 thanh tra tại 8.447 đơn vị; và 4 tháng đầu năm 2019 thanh tra tại 1.471 đơn vị.

MỚI - NÓNG