Triển vọng giảm giá đã trong tầm tay

Triển vọng giảm giá đã trong tầm tay
Nếu tháng 9/2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ còn tăng 0,18% so với tháng trước, thì tình hình thị trường tháng 10 với hàng loạt biến động giảm giá các loại hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu...
Triển vọng giảm giá đã trong tầm tay ảnh 1
Giá thép thế giới giảm mạnh, nhưng các DN thép trong nước thống nhất không giảm giá bán.

Dự báo CPI tháng 10 sẽ có nhiều điều bất ngờ.

TP.Hà Nội đã công bố CPI của địa phương trong tháng 10 chỉ tăng 0,16% - mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Còn theo Cục Thống kê TPHCM: CPI giảm 0,24% so với tháng trước.

Rõ ràng tốc độ tăng CPI đang từng bước bị kéo lùi. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang còn rất nhiều cơ hội giảm giá, CPI sẽ còn giảm mạnh nếu các cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết .

Rất nhiều tín hiệu giảm giá

Nguyên liệu đầu vào đang giảm giá mạnh và có tác động lớn đến sản xuất trong nước là phân bón.

Cách đây hai tháng, TCty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (DPM) còn tìm mọi cách bình ổn giá urê ở mức 9.200đ/kg thì từ ngày 16.10, mặt hàng này đã phải điều chỉnh giá trần bán lẻ xuống còn 8.000đ/kg.

Urê Trung Quốc nhập khẩu tại chợ Tân Quy - TPHCM bán buôn chỉ còn 5.800-5.900đ/kg và giá giao tại cảng Hải Phòng còn 5.400-5.500đ/kg. Giá phân bón giảm mạnh sẽ đưa giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp xuống thấp, là yếu tố tác động mạnh tới chỉ số CPI thời gian sắp tới.

Giá lúa gạo đã liên tục giảm trong tháng 10 và còn tiếp tục giảm. Giá lương thực giảm mạnh sẽ tác động rất lớn vào chỉ số CPI.

Được biết, tuần trước lúa hè thu còn ở mức 5.000 - 5.200đ/kg thì hiện chỉ còn 3.800 - 4.000đ/kg. Mặt hàng gạo nguyên liệu loại I trong tuần giảm 100đ/kg; gạo loại II giảm từ 200 - 300đ/kg, còn gạo 5% tấm cũng giảm tới 400đ/kg.

Tín hiệu được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất cơ bản VND từ 14%/năm xuống 13%/năm. Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Agribank giảm lãi suất cho vay nội tệ đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp xuống còn 16,5%/năm (giảm 4,5% so với đầu năm); giảm đối với các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và XK còn 16,8%/ năm.

Vietcombank giảm lãi suất cho vay thông thường từ 19,5% xuống còn 18,5%/năm; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho vay XK, thu mua lúa gạo, lãi suất tối đa là 16,2%/năm, giảm 1,3%/năm so với mức lãi suất đang áp dụng và giảm 4,8%/năm so với thời điểm đầu quý III.

Riêng với các tập đoàn, TCty, DN thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham gia xác lập và bình ổn cân đối lớn của nền kinh tế; các DN nhỏ và vừa lãi suất cho vay tối đa là 16,5%/năm... đây là những tín hiệu tốt khơi thông cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.

Và những biểu hiện bất thường

Nếu thời điểm đầu năm, giá phôi thép trên thị trường thế giới có lúc lên tới gần 1.000USD/tấn thì hiện tại đang giảm mạnh. Hiện giá phôi thép (FOB) tại khu vực Viễn Đông (LB Nga) trên thị trường London hiện chỉ còn 290USD/tấn.

Giá thép giảm mạnh đang làm cho nhiều DN thép phải giảm giá bán. Để đối phó với tình huống này, nhằm ngăn không cho giá thép xây dựng trong nước giảm xuống thấp hơn, ngày 9/10, các DN thép đã họp bàn thống nhất không giảm giá bán và giữ giá ở mức 13,5 - 13,7 triệu đồng/tấn(chưa có VAT).

Và để ngăn dòng thép thành phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào thị trường, Hiệp hội Thép VN đã kiến nghị Chính phủ tăng thuế suất thuế NK thép thành phẩm ở mức 8% hiện nay lên 25% để bảo hộ cho các DN thép trong nước.

Được biết, các DN thép đang còn tồn gần 400.000 tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi thép mua dự trữ khi giá cao. Nếu những yêu sách nêu trên của DN thép được chấp thuận, nền kinh tế sẽ tiếp tục phải "hứng chịu" thép giá cao, điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, khi mà mặt bằng giá cả đã xuống thấp.

Đến nay, giá dầu thô thế giới đã giảm 53% (so với thời điểm 11/7 là 147,27USD/thùng) chỉ còn 69,25USD/thùng (giá dầu thô giao ngay tại Singapore trưa 22.10) và theo dự báo sẽ đang còn trong xu hướng giảm.

Theo xu thế thị trường quốc tế, các DN kinh doanh xăng dầu trong nước đã giảm giá bán lẻ xăng từ 19.000đ/lít xuống còn 15.500đ/lít. Tuy nhiên, hàng loạt đối tượng sản xuất và dịch vụ sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào vẫn đang cố "níu kéo" thời gian giảm giá để "móc túi" người tiêu dùng.

Cho đến nay, các DN vận tải và giới kinh doanh taxi mới "đang bàn" nên giảm giá ở mức nào, giảm bao nhiêu... cho hợp lý.

Họ nại ra lý do: "...Tại giá xăng chập chờn, các DN taxi không biết ngày mai giá xăng giảm hay tăng. Lại còn thủ tục và chi phí cho mỗi lần điều chỉnh giá rất phức tạp... DN rất muốn giảm, nhưng khó".

Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Giá xăng dầu đã giảm, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước bắt buộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sử dụng xăng dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào phải giảm giá để thực hiện trách nhiệm kiềm chế tăng giá, chống lạm phát của Chính phủ.

Theo Công Thắng
Lao động

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".