Triển vọng mang tên Việt Nam - Cái nhìn từ CNN

Triển vọng mang tên Việt Nam - Cái nhìn từ CNN
(TPO) Ở VN, mặt trời mọc vào khoảng 5 giờ sáng. Nhưng tại mọi ngóc ngách trên đất nước này, nhịp sống đã bình minh từ trước đó rất lâu và tất cả đang hối hả cùng dòng vốn đầu tư dồn dập đổ về.
Triển vọng mang tên Việt Nam - Cái nhìn từ CNN ảnh 1
Lao động VN trẻ và thông minh

"Chúng tôi đang nỗ lực từ bỏ những hướng đi cũ kỹ, lỗi thời, không còn phù hợp để cố gắng phát triển một nền kinh tế thị trường. - Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Văn Bằng cho biết - Chúng tôi đang kiếm tìm một đường đi phù hợp nhất với xã hội Việt Nam, trong đó nền kinh tế phát triển theo hướng không tạo ra cách biệt quá lớn giữa giàu và nghèo".

Lộ trình của Việt Nam lúc này là phát triển nhiều bước, học theo mô hình của những nền kinh tế châu Á tiên tiến, với trọng điểm là xây dựng một khu vực sản xuất lớn mạnh.

Và cũng như tất cả những nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải thiện khả năng cạnh tranh. Một trong những nỗ lực quan trọng nhất chính là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm nay.

Trong một nỗ lực mới nhất để theo đuổi nền kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam đã ký một Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu số cổ phần lên tới 100% trong một số doanh nghiệp Nhà nước.

Tài nguyên lao động

Nike là một trong những tập đoàn nước ngoài hoạt động năng nổ nhất tại Việt Nam. 130.000 công nhân đã được tuyển dụng để làm việc trong một trung tâm sản xuất có quy mô chỉ đứng sau xưởng Nike ở Trung Quốc.

Với những hãng chuyên sản xuất đồ thể thao như Nike, Việt Nam quả là một điểm đến gia công lý tưởng, nơi nhập vào những sản phẩm thô ráp và cho ra những mặt hàng đã qua sản xuất tinh xảo.

"Chất lượng của nguồn nhân lực tại Việt Nam. Người lao động Việt Nam có những đạo đức nghề nghiệp tuyệt vời, rất sáng dạ và ham học hỏi" - Amanda Tucker, Tổng giám đốc Nike Việt Nam nhận xét.

Dự định lúc này của hãng là tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho các công đoạn nghiên cứu, thiết kế và phát triển các sản phẩm thể thao tại Việt Nam, chứ không chỉ dừng lại ở việc sản xuất gia công như hiện nay.

"Việc này sẽ đòi hỏi một lực lượng lao động lành nghề hơn, trình độ cao hơn. Tất nhiên, đây là một yêu cầu khá cao đối với Việt Nam, một nước có tới 60% lực lượng lao động đang làm các công việc liên quan đến nhà nông.

Nhưng lợi thế của Việt Nam là có tỷ lệ biết chữ tới 94%, khá cao so với một quốc gia đang phát triển. Hơn nữa, hơn một nửa trong tổng số dân 84 triệu lại đang ở độ tuổi dưới 25" - Tucker nói thêm.

Bất chấp những thách thức như nghèo đói, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thị trường Việt Nam vẫn hứa hẹn vận hội làm ăn ngày càng lớn cho các doanh nghiệp và những người "máu" kinh doanh.

"Nền văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam giờ mới đang chập chững phát triển nên cơ hội tràn ngập phía trước. Tuy nhiên, hạn chế khá lớn là VN thiếu trầm trọng các cảng nước sâu và vận tải đường bộ chưa tốt".

Mặc dù vậy, thực trạng này vẫn không thể đặt dấu chấm hết cho những công trình và dự án xây dựng quy mô lớn đang mọc lên như nấm ở Thành phố Hồ Chí Minh thuộc miền Nam (tên gọi trước đây là Sài Gòn), và Hà Nội ở miền Bắc.

Trước WTO, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều tổ chức kinh tế khác như APEC và ASEAN. Ngân hàng Thế giới cũng đã hợp tác với Việt Nam trong ít nhất là 35 dự án.

"Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tại Việt Nam đang diễn ra ổn định, vững chắc và chắc chắn sẽ tiếp diễn mà không nảy sinh quá nhiều vấn đề đáng lo ngại" - Rasesh Nangia, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

"Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay và cải thiện được những điểm yếu hiện tại của môi trường đầu tư, đất nước này sẽ sớm trở thành một Con Hổ châu Á, một Hàn Quốc hoặc Singapore mới".

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.