Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc giải quyết nợ xấu

Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc giải quyết nợ xấu
TP - Chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khuyến nghị Việt Nam cần tránh thực hiện các chính sách trái ngược. Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2012 do ADB công bố ngày 3-10 cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 5,1% trong năm 2012, thấp hơn 0,6% so với dự báo được ngân hàng này đưa ra hồi đầu năm.

> Coi chừng 'ngất xỉu' vì cổ tức

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ đạt mức 5,7% trong bối cảnh thị trường nước ngoài và tín dụng trong nước yếu. Mức lạm phát năm nay dự báo ở khoảng 9,1%, nhưng đến cuối năm 2013, lạm phát sẽ tăng lên 9,4% do giá lương thực toàn cầu và lượng cầu trong nước tăng, trong khi chính sách tài khóa có thể được nới lỏng.

Các chuyên gia của ADB cũng đưa ra những cảnh báo cho thấy, quy mô nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng. Đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và dàn trải, đang đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn (của các ngân hàng).

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào các rủi ro trong lĩnh vực tài chính và những rủi ro này có thể tăng lên chừng nào vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm.

“Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến tháng 6-2012, nợ xấu của các ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng và tiến gần tới mốc 5% tổng dư nợ. Nhưng, nợ xấu dù sao cũng ít quan ngại hơn so với tình trạng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước vì nợ của các tập đoàn, tổng công ty không ai biết, khi xảy ra việc người ta mới biết”- ADB đánh giá.

Theo Giám đốc ADB Việt Nam Tomoyuki Kimura, Việt Nam cần minh bạch hóa hơn nữa trong quá trình cải cách.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng đến việc đồng bộ của chính sách, không nên để tình trạng “tăng tốc” rồi sau đó lại “dừng đột ngột” của nền kinh tế lặp lại như đã từng xảy ra trước đó.

Nền kinh tế đã phải chịu hệ quả không nhỏ sau một giai đoạn nới lỏng tiền tệ để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Sau đó là chính sách thắt chặt và suy giảm tăng trưởng kinh tế đã đưa đến những hệ quả thể hiện khá rõ trong giai đoạn cuối của năm 2011 cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản.

“Việt Nam cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử. Cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện niềm tin của thị trường. Trong trường hợp chưa làm được điều gì, cần có giải thích rõ để dư luận có thêm thông tin về quá trình cải cách”- Ông Tomoyuki Kimura nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG