Trỗi dậy làn sóng đầu tư mới

Trỗi dậy làn sóng đầu tư mới
"VN đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và việc sắp gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một làn sóng đầu tư mới đang trỗi dậy..."
Trỗi dậy làn sóng đầu tư mới ảnh 1

Công ty may liên doanh Hàn Quốc - Nam Định, một trong những dự án đầu tư có hiệu quả.

Đó là những nhận định lạc quan có cơ sở được Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn đưa ra khi trao đổi với phóng viên ngày 10/7. Có lẽ đó chính là lý do khiến ông Tuấn cho rằng, thu hút 6,5 tỉ USD năm 2006 đang ở trong tầm tay.

4 động thái tăng trưởng mạnh mẽ

Theo ông Tuấn, vốn FDI vào VN đang gia tăng mạnh mẽ với việc các dự án lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chúng ta chủ trương thu hút đầu tư đã được cấp phép và triển khai thực hiện.

Có 4 động thái tăng trưởng nguồn vốn này: VN đã kết thúc đàm phán song phương và đang chuẩn bị các công việc cuối cùng để gia nhập WTO, hứa hẹn tính bền vững của khung khổ chính sách và một thị trường mở cửa, minh bạch.

Động thái thứ 2 là tăng trưởng kinh tế của VN trong những năm qua và trong 6 tháng đầu năm cho thấy VN đang thực sự trở thành nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực. Điều này tác động trực tiếp đến việc thu hút FDI, vì tăng trưởng kinh tế đi đôi với thị trường (sức mua) trong nước, đến tăng trưởng xuất nhập khẩu và kéo theo nó là một loạt các hoạt động gắn với đầu tư.

Động thái thứ ba là kết quả của việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đã mang lại diện mạo mới cho đất nước, khắc phục dần sự yếu kém mà các nhà đầu tư quan ngại. Trong năm nay, vấn đề cung cấp điện cũng được cải thiện đáng kể tạo thêm lòng tin cho các nhà đầu tư.

Cuối cùng là việc đưa vào thực hiện Luật Đầu tư chung và Luật DN (có hiệu lực từ 1.7.2006) được các nhà đầu tư nhìn nhận là một bước tiến về cải thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của DN nói chung và hoạt động đầu tư nói riêng. Vấn đề còn lại chỉ là việc Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật, vì đến thời điểm này nghị định chưa ra đời đã là quá chậm trễ.

VN trở thành "điểm đến" mới

Vẫn theo ông Tuấn, chính những hấp dẫn của môi trường đầu tư tại VN đang hình thành một xu hướng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (rõ nét nhất là Nhật Bản) từ Trung Quốc sang các nước theo mô hình "Trung Quốc +1" mà VN là một điểm đến hội đủ các "tố chất".

Tại Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho VN vừa nhóm họp, đại diện Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định điều này. Thời gian qua, một loạt các dự án mới của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản đã chọn VN để đầu tư như Matsushita, Canon, Terumo (sản xuất thiết bị y tế cao cấp)... Các hoạt động xúc tiến đầu tư tấp nập thời gian qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các địa chỉ đỏ để "neo đậu".

Theo ông Tuấn: "Bây giờ là lúc chúng ta có điều kiện lựa chọn các dự án phù hợp với định hướng phát triển đất nước, phù hợp quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực có chọn lọc để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI. Khác với trước đây, do nguồn vốn đầu tư suy giảm nên việc tiếp nhận dự án thường thiên về lượng".

Tính đến thời điểm này, các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ KHĐT (MPI) cấp phép đã được thẩm định, đang chờ cấp phép đã lên tới số vốn gần 2 tỉ USD. Chưa kể cũng ngần ấy lượng vốn có khả năng được UBND các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất cấp trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, MPI cũng đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan một số dự án thuộc diện "cực lớn". Vì vậy, ông Tuấn khẳng định, mục tiêu thu hút 6,5 tỉ USD vốn đầu tư mới trong năm nay là "nằm trong tầm tay".

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.