Trồi sụt lương bổng ngân hàng

Trồi sụt lương bổng ngân hàng
Quỹ lương của các ngân hàng tiếp tục xu hướng co hẹp trong nửa đầu năm nay song vẫn có những đơn vị tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó MB đang dẫn đầu.

> Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt tỷ giá
> Giá vàng tăng cao nhất trong hơn nửa tháng qua

8 trong số 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo quý II và 6 tháng đầu năm, trong đó quỹ lương, phụ cấp dành cho nhân viên biến động đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank, MCK: CTG) đang dẫn đầu về tổng quỹ lương phải chi trong 6 tháng đầu năm. Nhưng nếu tính bình quân đầu người, nhân viên Ngân hàng Quân Đội (MB, Mã CK: MBB) đang cao nhất.

Tổng quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên MB đến ngày 30/6 đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng nhân viên chỉ tăng 5,8%, lên 5.813 người. Tính theo bình quân đầu người, mỗi cán bộ làm việc tại MB có thể nhận tới 20 triệu đồng tiền lương mỗi tháng.

Do quy mô hoạt động và đông nhân viên, ngân hàng quốc doanh thường có quỹ lương lớn nhất hệ thống. Vietinbank dẫn đầu về tổng quỹ lương nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng thứ hai thị trường. Chi phí lương và phụ cấp nửa đầu 2013 của nhà băng này là 2.089 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Số nhân viên Vietinbank đến ngày 30/6 là 19.651 người. Nếu tính bình quân, mỗi cán bộ của Vietinbank có thể hưởng lương khoảng 17,7 triệu hàng tháng, tăng gần 3 triệu so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Vietinbank từng liên tiếp là nhà băng có bình quân lương cao nhất khối ngân hàng năm 2010-2011, dao động mức trên dưới 20 triệu đồng một tháng. Năm 2012, trong một cuộc hội nghị, Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng từng tiết lộ cán bộ giỏi tại nhà băng còn có thể hưởng lương lên tới 10.000 USD mỗi tháng.

Cũng nằm trong danh sách tăng lương bình quân, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK:STB) có tổng quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên đến ngày 30/6 đạt hơn 979 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số lượng nhân viên lại giảm 0,4%, xuống còn 11.193 người. Do vậy, tính theo bình quân đầu người, mỗi cán bộ làm việc tại Sacombank có thể nhận 14 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 2 triệu đồng.

 Nửa đầu năm nay, MB là ngân hàng có thu nhập bình quân cao nhất
Nửa đầu năm nay, MB là ngân hàng có thu nhập bình quân cao nhất.

Ở chiều ngược lại, với số lượng nhân viên tăng thêm hơn 1.000 người so với nửa đầu năm ngoái, lương bình quân cán bộ tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, Mã CK: VCB) lại giảm khoảng 1,3%, xuống còn 15,1 triệu đồng mỗi tháng. Nguyên nhân là quỹ lương và phụ cấp 6 tháng đầu năm nay của nhà băng giảm 6,7%, đạt hơn 1.264 tỷ đồng trong khi số lượng nhân viên tăng trên 8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Vietcombank có phần kém lạc quan khi tăng trưởng tín dụng âm 1,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 12%, xuống còn hơn 2.000 tỷ đồng. Dù vậy, trên sàn chứng khoán, Vietcombank vẫn thuộc top những doanh nghiệp đầu tiên báo lãi nghìn tỷ trong năm nay.

Còn tại Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã CK: EIB), tổng quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên sau nửa năm đạt gần 319 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng nhân viên tăng 2,5% so với 2013 lên 5.725 người. Tính theo bình quân đầu người, mỗi cán bộ làm việc tại Eximbank có thể nhận 9 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, giảm 1 triệu đồng so với cùng kỳ.

Cũng đứng trong top ngân hàng giảm lương, báo cáo tài chính bán niên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Mã CK: ACB) cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tại nhà băng giảm 5 triệu so với cùng kỳ. Tổng quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên ACB đến ngày 30/6 giảm 30%, đạt hơn 625 tỷ đồng. Trong khi đó, số lượng nhân viên lại tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 9.708 người.

6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của ACB cũng không khả quan khi lợi nhuận sau thuế giảm trên 50%. Tăng trưởng tín dụng của ACB nửa đầu năm đạt 7,4% và hoàn thành kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng gia tăng, từ 2,5% cuối năm trước lên 3% vào cuối quý này, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm tới gần 55%.

Navibank, ngân hàng còn lại của nhà ông Đặng Thành Tâm đứng cuối cả về tổng quỹ lương cũng như thu nhập bình quân đầu người. Nhân viên ngân hàng này có thu nhập bình quân 8,72 triệu đồng một tháng trong nửa đầu năm nay, giảm 35% so với cùng kỳ.

Trong quý II, do lỗ từ đầu tư chứng khoán, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, nên lãi sau thuế Navibank âm trên 11,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 44 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, Navibank lãi sau thuế hơn 10,5 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB nhận định, nhìn chung mức lương bổng năm nay của ACB có phần kém hơn so với mọi năm, nguyên nhân là tình hình kinh doanh nhà băng còn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Toại, vấn đề này diễn ra trên diện rộng các ngân hàng chứ không chỉ riêng ACB.

“Nhân viên nhận thấy mức lương hiện tại hợp lý hay không là tùy mỗi người. Nhưng đã làm ngân hàng là phải chấp nhận xu thế chung. Ngân hàng lại là ngành phản ánh khá rõ sức khỏe kinh tế. Dấu hiệu tốt đẹp vẫn chưa thấy, mà còn suy thoái thì mức lương sẽ tiếp tục giảm”, ông Toại thẳng thắn bày tỏ.

Cũng theo phó tổng giám đốc ACB, nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, từ nay đến cuối năm chuyện giảm lương tiếp hay không còn phải cân nhắc. “Lương ngân hàng phải có lúc cao lúc thấp, biến động theo thời thế. Cũng giống các đại gia bất động sản thời xưa, lúc thị trường xuống họ mất hết tài sản thì cũng phải chịu, tất cả đều phụ thuộc vào tình hình chung của nền kinh tế”, ông chia sẻ.

Theo Tường Vi – Hồng Châu
vnexpress.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.